Mặc dù sự trở lại này mang nhiều tính tượng trưng, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới nói rằng họ mong đợi Mỹ sẽ chứng tỏ sự nghiêm túc của mình sau bốn năm vắng bóng khá nhiều. Họ đặc biệt mong đợi một thông báo từ Mỹ trong những tháng tới về mục tiêu cắt giảm phát thải khí giữ nhiệt vào năm 2030.
Việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã trở thành chính thức vào thứ Sáu, gần một tháng sau khi Tổng thống Joe Biden nói với Liên Hợp Quốc về ý định muốn quay trở lại.
Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh vào những ngày đầu nhậm chức để đảo ngược lệnh ban hành bởi người tiền nhiệm Donald Trump. Chính quyền Trump vào năm 2019 đã thông báo rút Mỹ khỏi hiệp định Paris nhưng quyết định này chỉ thực sự có hiệu lực ngày 4/11/2020, một ngày sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, vì các điều khoản trong hiệp định.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết hôm thứ Năm rằng việc tái gia nhập chính thức của Mỹ “rất quan trọng”, cũng như thông báo từ Biden rằng Mỹ sẽ quay trở lại cung cấp viện trợ liên quan đến vấn đề khí hậu cho các nước nghèo hơn, như đã hứa năm 2009.
Christiana Figueres, cựu giám đốc phụ trách vấn đề khí hậu của Liên Hợp Quốc đánh giá đây là thông điệp chính trị đang được gửi đi. Figueres cho biết đã có một nỗi sợ rằng các nước khác sẽ theo Mỹ từ bỏ cuộc chiến về khí hậu này, nhưng đã không có nước nào làm vậy.
Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen cho biết Mỹ phải chứng minh vai trò lãnh đạo của mình đối với phần còn lại của thế giới, nhưng bà cho biết không nghi ngờ gì về khả năng đó khi họ đệ trình các mục tiêu cắt giảm khí thải cần thiết. Chính quyền Biden hứa hẹn sẽ công bố chúng trước hội nghị thượng đỉnh Ngày Trái đất vào tháng 4.
Thượng nghị sĩ Wyoming John Barrasso, đảng viên Cộng hòa và là thành viên hàng đầu trong hội đồng năng lượng của Thượng viện, đã chỉ trích Biden về việc tái gia nhập hiệp định Paris, viết trên Twitter: “Việc quay trở lại hiệp định khí hậu Paris sẽ làm tăng chi phí năng lượng của người Mỹ và sẽ không giải quyết được biến đổi khí hậu. Chính quyền Biden sẽ đặt ra những mục tiêu không khả thi cho Mỹ trong khi Trung Quốc và Nga có thể tiếp tục kinh doanh như bình thường.”
Mục tiêu quốc tế dài hạn, bao gồm cả thỏa thuận chung Paris với nhiều mục tiêu khắt khe hơn, đó là giữ cho sự nóng lên của Trái đất ở mức dưới 2 độ Celsius so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thế giới đã ấm lên 1,2 độ C kể từ thời điểm đó.