Dù là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai thế giới nhưng hồi tháng 6/2017, Tổng thống Mỹ Trump đã công bố ý định rút khỏi Hiệp định Paris với lập luận rằng hiệp định này gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, việc rút khỏi hiệp định không thể xảy ra trước ngày 2/11/2020 theo điều 28 của Hiệp định Paris.
Quyết định rút khỏi của Mỹ đã gặp phải sự lên án rộng rãi từ các công dân Mỹ và trên toàn thế giới, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp, chính khách, nhà khoa học và nhà môi trường. Mặc dù đã rút, một số thống đốc tiểu bang Mỹ đã thành lập Liên minh khí hậu Mỹ và cam kết tiếp tục tuân thủ và thúc đẩy Hiệp định Paris.
Do những quy định ràng buộc của hiệp định nên tới nay Mỹ mới có thể chính thức rút khỏi hiệp định này. Hiện Mỹ là quốc gia duy nhất rút khỏi Hiệp định Paris trong tổng số 197 nước ký kết hiệp định này.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5-2 độ C.
Cho đến nay, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện nhiều hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn khi khiến nước biển dâng cao.
Trong số 20 năm qua, có tới 19 năm thế giới ghi nhận mức nhiệt kỷ lục, kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thống kê một cách chính xác vào cuối thế kỷ 19.
Ngay sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, một nhóm đại diện cho các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ (BlackRock Inc, Institutional Investors Group on Climate Change (IIGCC),…) với tổng tài sản trị giá 30.000 tỷ USD đã hối thúc Mỹ nhanh chóng gia nhập lại Hiệp định này.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ, ông Joe Biden từng cho biết trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ rằng ông sẽ đưa Mỹ trở lại với Hiệp định Paris.
Giám đốc điều hành của nhóm vận động phát triển bền vững Ceres Mindy Lubber cũng cho rằng, việc rút khỏi Hiệp định Paris là một "sai lầm lớn," song chỉ ra rằng các cam kết chống biến đổi khí hậu của các bang và doanh nghiệp Mỹ là tín hiệu của sự tiến triển.
Trước đó, khi tham gia Hiệp định Paris, chính quyền Tổng thống Barack Obama cam kết cắt giảm 26-28% lượng khí thải nhà kính vào năm 2025, so với mức của năm 2005.
Theo Rhodium Group, năm 2020, lượng khí thải nhà kính của Mỹ đang ở mức khoảng 21% so với mức vào năm 2005. Công ty này dự báo con số này sẽ tăng lên hơn 30% vào năm 2035 (so với mức năm 2019) nếu ông Trump tái đắc cử.