Chờ...

Người châu Âu sợ biến đổi khí hậu hơn cả khủng bố, thất nghiệp hay vấn nạn nhập cư

(VOH) – Gần phân nửa dân số châu Âu sợ hãi tình trạng biến đổi khí hậu hơn cả việc mất đi việc làm hay một vụ tấn công khủng bố, theo nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) ngày 28/11.

Kết quả thăm dò này được công bố sau khi các nhà lập pháp châu Âu tuyên bố “tình trạng khí hậu khẩn cấp”.

Khảo sát của EIB thực hiện trên 30.000 người đến từ 30 quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ, đã cho kết quả 47% dân số châu Âu nói rằng hiện tượng biến đổi khí hậu được xếp thứ nhất trong các mối đe dọa đời sống họ. Xếp sau đó là thất nghiệp, tỷ lệ nhập cư tăng và mối lo ngại về chủ nghĩa khủng bố.

Người châu Âu sợ biến đổi khí hậu hơn cả khủng bố, thất nghiệp hay vấn nạn nhập cư. Ảnh minh họa: Reuters

Điều thú vị trong cuộc khảo sát này là nhiều người trong số đó lạc quan về khả năng đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra, Phó Chủ tịch EIB Emma Navarro phụ trách hành động khí hậu và môi trường cho biết. Thật không may, khoa học lại nói khác.

Ngân hàng đầu tư châu Âu EIB, thuộc sở hữu của các chính phủ Liên minh châu Âu, là tổ chức cho vay quốc tế lớn nhất thế giới và có nhiệm vụ tài trợ cho các dự án đầu tư liên quan đến biến đổi khí hậu, là ưu tiên hàng đầu của Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới.

Cuộc khảo sát đầu tiên trong bốn kế hoạch của EIB, cho thấy mức độ lo ngại về biến đổi khí hậu ở Trung Quốc thậm chí còn cao hơn hơn so với EU, với 73% số người được hỏi nhìn nhận nó như là mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội, so với 39% ở Mỹ.

Nghiên cứu cũng cho thấy 41% tỷ lệ người trẻ tại châu Âu từ 15 đến 29 tuổi, đặc biệt đến từ các quốc gia như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Pháp, nghĩ rằng họ có thể chuyển đến quốc gia khác sống vì tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiệm kỳ sắp tới của Ủy ban Châu Âu, sẽ bắt đầu và ngày 1/12 tới, muốn khiến toàn bộ EU thành khu vực có mức khí thải carbon dioxide trung tính vào năm 2050, sau khi quyết định cắt giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030. Đề xuất này vẫn cần sự đồng ý của tất cả các chính phủ EU trước khi một mục tiêu như vậy trở thành tiêu chí ràng buộc, nhưng một số quốc gia vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá như Ba Lan phản đối tham vọng này.