Một trong những vấn đề chính mà lãnh đạo các nước quan tâm là vấn đề cải cách hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những dấu hiệu làm chậm lại sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Đây cũng là vấn đề lớn bao trùm lên Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay kéo dài 2 ngày tại Osaka, Nhật Bản.
Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutochi Nishimura cho biết những người đứng đầu nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G20) đã thảo luận các cách để giải quyết các thách thức phổ biến như thúc đẩy thương mại tự do và bắt đầu các cuộc đàm phán về cải cách WTO - vốn đang bị đình trệ.
Ông Nishimura trả lời với phóng viên: "Hiện có nhiều rủi ro đe dọa đến kinh tế thế giới như các mâu thuẫn và xung đột thương mại ngày càng leo thang. Trong bối cảnh đó, những người đứng đầu G20 đồng ý về sự cần thiết của nhóm G20 để "lèo lái" con thuyền kinh tế toàn cầu."
Lãnh đạo các nước G20 chụp hình lưu niệm tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2019 (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều sự khác biệt giữa chính sách và phương thức hành động của mỗi quốc gia trong G20. Trong số đó có thể kể đến chính sách "Nước Mỹ là trên hết" mang đậm tính chủ nghĩa dân tộc của Tổng thống Donald Trump và sự ác cảm phần nào của ông đối với chủ nghĩa đa phương. Đây có thể xem là một trong những thách thức đối với sự đoàn kết và thống nhất giữa các nước G20 khi bàn họp vì mục tiêu chung.
Bộ trưởng Kinh tế Nga - ông Maxim Oreshkin cho biết gần đây thỏa thuận chung giữa các nước thành viên G20 về phương thức cải tổ WTO vẫn chưa đạt được. Ngoài ra, cũng theo một đại biểu đến từ Nga - bà Svetlana Lukash, những người đứng đầu các nước G20 cũng đang "vật lộn" để tìm ra điểm chung đối với các vấn đề như bảo mật thông tin, biến đổi khí hậu và tình hình nhập cư. "Những điều này không dễ dàng tí nào", bà Lukash nhận định.
Tuy nhiên, bà Lukash cũng lạc quan về sự ra đời của tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20, cũng như các văn bản khác nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị cũng sẽ được ký kết.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019 (Ảnh: Reuters)
Đối với nước chủ nhà Nhật Bản của Hội nghị G20 năm nay, nước này cũng đang tìm cách hạ thấp sự rạn nứt vốn đang ngày càng lên cao giữa các thành viên của nhóm về các chủ đề khác nhau, đặc biệt là đối với các vấn đề hương mại - tuy nhiên được tiên lượng sẽ không mấy khả quan.
Thêm vào đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết đất nước của ông sẽ không ký vào tuyên bố chung G20 nếu tuyên bố này không đề cập đến thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin chính quyền Tokyo đang nỗ lực hợp tác với các đối tác G20 của mình nhằm cho ra đời một tuyên bố chung mang mục đích kêu gọi thúc đẩy thương mại tự do trên con đường thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu.