Lãnh đạo liên minh kinh tế BRICS nhất trí mở rộng khối

VOH - Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết, lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS nhất trí mở rộng khối tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày.

Ông Naledi Pandor phát biểu trên kênh Ubuntu Radio ngày 23/8: "Chúng tôi có tài liệu đã được thông qua, trong đó đặt ra những hướng dẫn và nguyên tắc, quy trình xét duyệt các quốc gia mong muốn trở thành thành viên của BRICS".

Theo Ngoại trưởng Pandor, lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS "nhất trí về vấn đề mở rộng khối" và thông báo chi tiết sẽ được công bố trước khi hội nghị thượng đỉnh của khối ở Johannesburg, Nam Phi kết thúc ngày 24/8.

Lãnh đạo liên minh kinh tế BRICS nhất trí mở rộng khối 1
Lãnh đạo và quan chức các nước thành viên BRICS tại Johannesburg, Nam Phi ngày 23/8 - Ảnh: AFP

Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại Nam Phi ngày 22-24/8. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Nam Phi dự sự kiện.

Đại diện Nga tham gia họp trực tiếp năm nay là Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Tổng thống Vladimir Putin dự sự kiện theo hình thức trực tuyến. Ngoài các lãnh đạo trong khối, hội nghị cũng có sự tham gia của khoảng 50 lãnh đạo khách mời khác.

Những lời kêu gọi mở rộng BRICS chiếm phần lớn trong chương trình nghị sự tại hội nghị kéo dài ba ngày của BRICS.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định mở rộng BRICS "sẽ tổng hợp sức mạnh và trí tuệ của chúng ta" để thế giới trở nên công bằng và bình đẳng hơn.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ ủng hộ kết nạp các thành viên mới và "hoan nghênh nỗ lực tiến lên với đồng thuận".

Các quan chức cho biết hơn 40 quốc gia thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Một số nước đã phát biểu công khai về vấn đề này như Iran, Arab Saudi, Argentina, Ethiopia và Algeria.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử BRICS có ý định mở rộng, lần này sẽ tập trung vào phát triển kinh tế và nâng cao tiếng nói của các thành viên trên các diễn đàn toàn cầu. Lần trước vào năm 2009, các nhà lãnh đạo BRICS đã quyết định bổ sung thêm Nam Phi và sau đó là ra mắt Ngân hàng Phát triển vào năm 2015.

BRICS thành lập năm 2009. Ngoài địa chính trị, trọng tâm của khối còn có hợp tác kinh tế, tăng cường thương mại và phát triển đa phương. BRICS hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tất cả thành viên của khối đều nằm trong G20.

Hiện nay, có gần 20 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS, khối các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số và 26% GDP toàn cầu.

Được xây dựng dựa trên thuật ngữ do nhà kinh tế học Jim O'Neill của Goldman Sachs đặt ra, BRICS được mô tả là các cơ hội đầu tư ở những thị trường mới nổi quan trọng. Nhóm này tồn tại bất chấp sự khác biệt sâu sắc về hệ thống chính trị và kinh tế giữa các thành viên.

Bình luận