Lãnh đạo Mỹ và châu Âu chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc

(VOH) - Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu ngày 19/2 đã tham dự Hội nghị An ninh Munich năm 2021 thông qua hình thức họp trực tuyến.

Hai bên nhất trí rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ cùng nhau "đối phó" với Trung Quốc.

Trong quá khứ, liên minh xuyên Đại Tây Dương xem nước Nga là mối đe đọa hàng đầu, nhưng từ khi Trung Quốc không ngừng gia tăng sức ảnh hưởng của mình, liên mình này xác định Trung Quốc không còn là một đối tác thương mại "lành tính".

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP)
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng ta phải cùng nhau để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ rất khốc liệt. Chúng ta phải đấu tranh chống lại hành vi đe dọa và phá hoại kinh tế của Trung Quốc”.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ quay trở lại cộng đồng quốc tế. Ngày 19/2, chính quyền Biden tuyên bố Mỹ sẽ tái gia nhập Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này vì nó ràng buộc sự phát triển kinh tế của Mỹ, khiến các nhà sản xuất tại nước này phải đóng cửa do những quy định hạn chế quá mức, trong khi lại cho phép các nhà sản xuất nước ngoài gây ô nhiễm, cụ thể là Trung Quốc.

Các nước EU đã bày tỏ hoan nghênh về quyết định quay trở lại cộng đồng quốc tế của chính quyền Biden.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng cộng đồng quốc tế cần có một chương trình nghị sự chung để "đấu" với Trung Quốc, nhưng bà cũng cho rằng Trung Quốc vừa là đối thủ cạnh tranh vừa là đối tác.

Bà Merkel đồng ý với đề xuất của Tổng thống Biden rằng EU và Mỹ cần xây dựng một "chương trình nghị sự chung" về vấn đề Trung Quốc. Bà nói, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn trên trường quốc tế và liên minh xuyên Đại Tây Dương cần có những hành động.

Tuy nhiên, bà Merkel cũng nói rằng, mặc dù Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nhưng việc hợp tác với nước này để "giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu" cũng rất quan trọng.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng giờ đây "đến lượt chúng tôi - Mỹ và châu Âu - lại tăng cường sự hợp tác giữa đôi bên".

Bà von der Leyen cho biết kế hoạch thành lập "Ủy ban Thương mại và Công nghệ" giữa châu Âu và Mỹ do bà đề xuất là nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 19/2 cũng kêu gọi châu Âu, Canada và Mỹ duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Ông Stoltenberg nói rằng Nga và Trung Quốc đang thách thức trật tự quốc tế và cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức đối với trật tự quốc tế.

Ông nói Trung Quốc và Nga đang cố gắng viết lại các quy tắc theo hướng có lợi cho họ.

Người đứng đầu NATO cũng nói thêm rằng: "Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một vấn đề mang tính quyết định đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương và nó có tác động tiềm tàng đến an ninh, sự thịnh vượng và lối sống của chúng ta".

Điều đáng lưu ý là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 19/2 nói rằng Lầu Năm Góc coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất của nước Mỹ và tin rằng NATO và Mỹ có thể cùng nhau ứng phó với những thách thức này.

Ông Austin khẳng định nước Mỹ nỗ lực bảo vệ các quy tắc quốc tế dựa trên trật tự, trong khi Trung Quốc đã và đang phá hủy trật tự này vì lợi ích của chính họ.