Đây là vụ lật thuyền chở người di cư mới nhất ngoài khơi của quốc gia Bắc Phi này.
Safa Msehli, nữ phát ngôn viên của Tổ chức Quốc tế về di cư (IOM), cho AP biết rằng lực lượng tuần tra biển của Libya đã chặn được ba thuyền di cư hôm thứ Hai, một trong số đó đã bị lật. Bà cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển đã trục vớt được hai thi thể, còn số người mất tích hoặc được cho là đã chết là 22 người.
Có ít nhất 45 người sống sót thuộc cả ba chiếc thuyền đã đã được đưa vào bờ. Tất cả những người di cư là nam giới, với phần lớn đến từ Ai Cập và Maroc, cô nói. Những người sống sót và những người di cư bị chặn bắt khác đã được đưa đến một trại tập trung ở thủ đô Tripoli của Libya, Msehli nói.
Vụ đắm tàu là thảm họa hàng hải mới nhất liên quan đến tình trạng di cư nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu. Msehli cho biết vào tháng trước, hơn 350 người di cư đã chết ở trung tâm Địa Trung Hải trong năm nay.
Vào tháng 8, một chiếc thuyền chở hàng chục người di cư bị lật khiến ít nhất 45 người chết đuối hoặc mất tích và được cho là đã chết, đánh dấu số người chết lớn nhất trong một vụ đắm tàu ngoài khơi quốc gia Bắc Phi.
Dự án tìm kiếm người di cư mất tích của IOM tiết lộ thêm rằng vào giữa tháng 8, khi được báo cáo về 4 vụ lật thuyền tại trung Địa Trung Hải, có 48 thi thể đã trôi dạt vào bờ biển Libya. Và có ít nhất 54 người khác có thể đã chết đuối ngoài biển trong các thảm kịch này.
Libya, quốc gia đã rơi vào hỗn loạn từ sau vụ lật đổ nhà độc tài Moammar Gadhafi năm 2011, đã nổi lên với vai trò một trạm trung chuyển lớn cho những người di cư từ châu Phi và Ả Rập tìm đường đến châu Âu để né chiến tranh và nghèo đói.
Hầu hết những người nhập cư đều thực hiện chuyến hành trình này trên những con thuyền cao su thiếu thốn trang bị và không an toàn. IOM cho biết vào tháng 3/2020, họ đã ước tính con số người di cư chết khi cố gắng vượt Địa Trung Hải vượt qua mốc 20.000 người tính từ năm 2014.
Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu đã hợp tác với lực lượng tuần tra biển cũng như các lực lượng khác của Libya ngăn chặn dòng người di cư, và hàng ngàn trường hợp đã bị chặn trên biển và phải quay trở về Libya.
Các tổ chức nhân quyền nói rằng những nỗ lực này đã khiến người di cư rơi vào tay các nhóm vũ trang tàn bạo hoặc bị đưa vào những trại tập trung quá tải với điều kiện thiếu thốn lương thực và nước.
Hồi đầu năm 2020, EU đã đồng ý chấm dứt hành động truy tìm người di cư vượt biên lậu chỉ bằng việc sử dụng máy bay do thám và thay vào đó là triển khai các tàu quân sự để tập trung duy trì lệnh cấm vận vũ khí mà Liên Hợp Quốc áp cho Libya.
Xem thêm: