Theo đó, những người làm trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và một số dịch vụ khác sẽ được phép trở lại đi làm, nhưng phải tuân thủ các quy định an toàn nghiêm ngặt. Toàn bộ dân số còn lại của đất nước sẽ vẫn phải tiếp tục ở nhà.
Tính đến nay, đã có gần 17.000 người nhiễm Covid-19 đã tử vong tại Tây Ban Nha, tuy nhiên nước này cũng ghi nhận số lượng ca nhiễm mới đã giảm một nửa khi so với tuần trước đó, với 4.167 ca được xác nhận, nâng tổng số các ca dương tính ở nước này lên 166.019.
Bắt đầu từ thứ Hai 13/4, chính phủ Tây Ban Nha dỡ bỏ một số hạn chế vốn được áp dụng từ ngày 27/3, cho phép những công ty nào không thể vận hành bằng cách cho nhân viên làm việc từ xa được mở cửa trở lại.
Nhân viên y tế và cảnh sát đang phát khẩu trang tại các ga tàu ở Tây Ban Nha. Ảnh: BBC
Trong khi đó, Italy - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại châu Âu với hơn 19.900 ca tử vong, sẽ cho phép một số ít các công ty trở lại hoạt động từ thứ Ba 14/4.
Thủ tướng Italy - ông Giuseppe Conte tuần trước từng cho biết lệnh phong toả sẽ kéo dài cho tới ngày 3/5, nhưng có một số ít các cửa hàng và doanh nghiệp sẽ được phép mở cửa trở lại kể từ ngày mai. Các dịch vụ thương mại được phép hoạt động trở lại gồm có cửa hàng sách báo, văn phòng phẩm và các cửa hàng bán quần áo trẻ em.
Các nhà máy tại Italy vẫn tiếp tục tạm ngưng hoạt động. Mặc dù vậy, Thủ tướng Italy cho biết ông sẽ tiếp tục đánh giá tình hình lây nhiễm mới và sẽ có "hành động phù hợp" nếu điều kiện cho phép.
Italy vắng lặng những ngày thực hiện giãn cách xã hội vì Covid-19. Ảnh: The Verge
Tại Đức, nơi có 3.022 người tử vong do Covid-19, các doanh nghiệp đang gây áp lực, đòi phải có kế hoạch cho việc chấm dứt tình trạng phong toả toàn quốc.
Vào thứ Tư ngày 15/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thảo luận về chiến lược chấm dứt phong toả với các lãnh đạo địa phương.
Tại Anh, người dân đang bước vào tuần lễ phong toả thứ tư. Chính phủ Anh vào thứ Năm tuần này cũng sẽ xem xét việc có cần điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội hay không. Tại cuộc họp, các Bộ trưởng sẽ phải đánh giá xem các quy định đang áp dụng có hiệu quả hay không sau 3 tuần yêu cầu người dân Anh ở nhà và thực hiện các biện pháp cứng rắn đối với vấn đề cách ly xã hội.
Chủ nhật vừa qua, nước Anh đã ghi nhận con số thiệt hại về người khi nhiễm Covid-19 đã tăng cao vượt qua mốc 10.000 người, với 10.612 người không may đã tử vong. Đây cũng là ngày Thủ tướng Boris Johnson được xuất viện sau một tuần phải vào điều trị khi chính ông cũng là bệnh nhân nhiễm Covid-19.