Chương trình Lương thực Thế giới cho biết họ có kế hoạch tăng gấp đôi số người mà tổ chức cần giúp đỡ, tương đương tăng hơn 4 triệu người. Như vậy, tổng cộng có đến 7 triệu người đang cần viện trợ lương thực.
Tình trạng khan hiếm lương thực tại Zimbabwe. Ảnh: AP
Một chuyên gia của Liên Hợp Quốc về quyền thực phẩm vào tuần trước cho biết, người dân Zimbabwe đang trên bờ vực chết đói mà nguyên nhân của khủng hoảng này là con người tạo ra và số người cần giúp đỡ có thể gây sốc.
Với dự báo lượng mưa rất thấp tại quốc gia này cho đến trước thời điểm thu hoạch tháng 4 năm sau, nạn đói sẽ trở nên trầm trọng hơn, giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley cho biết trong một thông cáo.
Khủng hoảng kinh tế của Zimbabwe, tồi tệ nhất trong một thập kỷ và hạn hán trên toàn miền nam châu Phi sẽ gây khó khăn cho việc cung cấp viện trợ vì giá các mặt hàng cơ bản tăng vọt và nguồn cung thực phẩm thấp hơn bình thường. Lạm phát tại đây đã tăng vọt lên 490%, thuộc nhóm cao nhất thế giới, chỉ xếp sau Venezuela.
Khủng hoảng tại Zimbabwe bao gồm tỷ lệ thất nghiệp cao, thiếu tiền mặt và nước và mất điện tới 19 giờ một ngày.