Theo thông tin từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất có tâm chấn nằm cách Port Vila khoảng 30km về phía tây và sâu 57,1km dưới lòng đất. Sau trận động đất chính, một dư chấn mạnh 5,5 độ Richter tiếp tục được ghi nhận, khiến người dân hoang mang.
Hình ảnh từ hiện trường lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các tòa nhà bị hư hại nặng nề, trong đó có cả trụ sở ngoại giao của Mỹ, Anh, Pháp và New Zealand. Các cột bê tông sụp đổ, cửa kính vỡ nát, và nhiều vật dụng vương vãi khắp nơi. Một chiếc ô tô cũng bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Nhà báo Dan McGarry, người đang làm việc tại Vanuatu, cho biết: “Cảnh sát xác nhận có ít nhất một người thiệt mạng và nhiều người khác đang được điều trị tại bệnh viện.”
Ngay sau trận động đất, hệ thống liên lạc ở Vanuatu rơi vào tình trạng gián đoạn. Các trang web chính phủ không thể truy cập và đường dây khẩn cấp cũng không hoạt động, gây khó khăn cho công tác cứu hộ.
Ban đầu, trận động đất làm dấy lên cảnh báo sóng thần trên toàn quốc đảo Vanuatu, tuy nhiên cảnh báo này đã được dỡ bỏ sau khi đánh giá thêm tình hình. Mặc dù vậy, hậu quả từ trận động đất đã kích hoạt nhiều vụ lở đất tại khu vực đồi núi, làm tăng nguy cơ sạt lở và gây cản trở các tuyến đường chính.
Chính phủ Úc và New Zealand đã nhanh chóng phát đi khuyến cáo tới công dân của mình tại Vanuatu. Chính quyền Úc kêu gọi người dân di chuyển đến vùng đất cao hơn, trong khi Cơ quan Quản lý khẩn cấp New Zealand cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
Theo Báo cáo rủi ro thế giới, Vanuatu là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các thảm họa tự nhiên như động đất, bão lũ và sóng thần. Quốc gia này nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, một khu vực có hoạt động địa chấn mạnh mẽ, kéo dài từ Đông Nam Á đến khắp Thái Bình Dương.
Hiện tại, chính quyền Vanuatu đang khẩn trương triển khai lực lượng cứu hộ đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Các tổ chức quốc tế và các nước láng giềng cũng đang theo dõi sát tình hình để hỗ trợ nhân đạo kịp thời.