Mưa do gió mùa và nước sông dâng cao đã nhất chìm ít nhất 182 khu dân cư tại thủ đô Jakarta và gây ra lở đất tại các quận ngoại thành là Bogor, Depok và Lebak. Lở đất cũng đã chôn vùi hàng chục người tại các quận này.
Người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Agus Wibowo cho biết các trường hợp tử vong bao gồm cả những trường hợp chết đuối và bị điện giật khi nước sông tràn bờ hôm 1/1. Những cơn mưa to liên tiếp suốt đêm Giao Thừa là nguyên nhân dẫn đến nước sông dâng cao gây lũ lụt.
Đây là trận lụt tồi tệ nhất kể từ trận lũ năm 2013 cũng tại Jakarta, khi đó đã có 57 người chết.
Lũ bắt đầu rút xuống ở một số khu vực của thành phố vào tối thứ Năm, cho phép người dân trở về nhà của họ.
Wibowo cho biết khoảng 397.000 người đã phải tìm nơi ẩn náu trên các khu vực đô thị cao hơn khi nước lũ lên đến đỉnh điểm cao tới 6 mét.
Người dân ở thủ đô Jakarta dọn dẹp đường phố sau khi nước lũ rút. Ảnh: AP
Người dân quay trở về nhà họ trên những con đường phủ đầy bùn và mảnh vỡ. Xe cộ bị nước lũ cuốn trôi, nằm chồng chất hoặc lật úp sau khi lũ rút tại các khu vực đậu xe.
Chính quyền thành phố đã tranh thủ lúc nước rút để dọn dẹp bùn đất và rác khỏi các con đường. Điện cũng đã được khôi phục cho hàng chục hộ dân và công ty.
Sân bay quốc nội Halim Perdanakusuma của Jakarta cũng đã mở cửa trở lại hôm 2/1 sau khi phải đóng cửa do nước ngập đường băng. Đã có gần 20.000 hành khách bị ảnh hưởng do việc đóng cửa này.
Giám đốc Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia Dwikorita Karnawati cho biết các cơn mưa lớn tiếp tục được dự báo sẽ đến cho vài ngày tới ở Jakarta và trên khắp Indonesia cho đến tháng sau.
Ngày 3/1, chính quyền thành phố đã cho kích hoạt hạt giống điều chỉnh lượng mưa vào các đám mây tại Jakarta. Lũ lụt cũng được dự báo có khả năng tiếp diễn cho đến khi mùa mưa kết thúc vào tháng 4.
Lũ lụt đã làm nổi bật lên vấn đề về cơ sở hạ tầng của Indonesia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tháng 8/2019 đã tuyên bố sẽ dời thủ đô đến một địa điểm khác hẻo lánh hơn thuộc đảo Borneo.