Lượng khí thải của Trung Quốc có thể đạt đỉnh vào năm 2025

(VOH) Nhiều khả năng lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc có thể đạt mức đỉnh vào năm 2025, sớm hơn 5 năm so với dự kiến của nước này.

Kết quả nghiên cứu vừa được hai viện nghiên cứu thuộc Trường Kinh tế London (LSE) công bố cho thấy nhiều khả năng lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc có thể đạt mức đỉnh vào năm 2025, sớm hơn 5 năm so với dự kiến của nước này.

Cụ thể, theo nghiên cứu của hai viện trên, với xu hướng hiện tại, tới năm 2025, Trung Quốc sẽ thải ra lượng khí thải tương đương khoảng 12,5-14 tỷ tấn CO2 và sau đó lượng khí thải của nước này sẽ giảm dần.

Khói bụi ô nhiễm phủ mờ một cây cầu tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 29/11/2018 (Ảnh: Reuters)

Nhà kinh tế Nicholas Stern và nhà phân tích Fergus Green, đồng tác giả nghiên cứu trên, nhận định rằng lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc không thể đạt mức cao nhất vào cuối năm 2030 như dự báo mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hồi tháng 11/2014.

Điều này càng củng cố thêm khả năng thế giới sẽ tránh được tình trạng mức tăng nhiệt độ trên Trái Đất vượt quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhất là trong bối cảnh Liên hợp quốc đang tìm kiếm một thỏa thuận mang tính ràng buộc toàn cầu về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ diễn ra ở Paris, Pháp vào tháng 12 tới.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của LSE cũng chỉ ra rằng lượng tiêu thụ than đá của Trung Quốc đã sụt giảm trong năm 2014 và quý 1/2015, sau khi chứng kiến mức tăng trưởng trong nhiều năm qua khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố trở nên nghiêm trọng hơn và làm gia tăng lượng khí thải nhà kính.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng lượng sử dụng than đá của Trung Quốc sẽ đạt "mức cực đại về cơ cấu" và giảm dần trong vòng 5 năm tới, trong khi lượng sử dụng khí đốt tự nhiên sẽ tăng nhanh. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng này là sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc.

Bình luận