Các lãnh đạo khẳng định, 2 bên sẽ hợp tác sơ tán công dân của nhau, trong trường hợp khẩn cấp ở nước thứ 3. Họ cũng nhất trí đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh do người dân 2 nước.
Câu hỏi đặt ra, sau khi Thủ tướng Fumio Kishida rời nhiệm sở, và Tổng thống Yoon Suk Yeol không thể tiếp tục công việc, do hiến pháp Hàn Quốc quy định mỗi Tổng thống chỉ làm 1 nhiệm kỳ, quan hệ 2 nước có tiếp tục đi theo quỹ đạo tích cực này hay không?
Khi Thủ tướng Kishida nhậm chức năm 2021, quan hệ với Hàn Quốc căng thẳng do bất đồng về lịch sử, tác động tiêu cực đến hợp tác an ninh và kinh tế song phương. Mối quan hệ thậm chí được mô tả là xấu nhất kể từ khi bình thường hóa năm 1965.
Bước ngoặt xảy ra vào tháng 3/2023, chính quyền mới của Tổng thống Yoon đưa ra giải pháp cho vấn đề bồi thường lao động cưỡng bức hồi thế chiến 2. Một quỹ do các doanh nghiệp và chính phủ Hàn Quốc lập ra, sẽ thay mặt cho các công ty Nhật Bản.
Ngoại giao con thoi sau đó giữa lãnh đạo 2 nước, đã làm ấm lại quan hệ. Trao đổi trong mọi khía cạnh như quốc phòng, kinh tế, thương mại và du lịch nhanh chóng được nối lại. Ước tính năm 2024 này, người dân bên này sang bên kia du lịch sẽ vượt qua con số 10 triệu.
Hợp tác 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn cũng cải thiện theo. Trước đây, hợp tác 3 nước chủ yếu liên quan tới Triều Tiên, giờ đây đã mở rộng, ví dụ về chuỗi cung ứng và Trung Quốc.
Dẫu quan hệ song phương cải thiện, vẫn còn rất nhiều chỉ trích ở Hàn Quốc về chính sách của Tổng thống Yoon Suk Yeol với Nhật Bản. Họ thất vọng bởi chính phủ không nhận được sự đáp lại tương xứng sau các nhượng bộ. Quỹ bồi thường lao động thời chiến cũng chưa có đủ tiền như mong đợi.
Theo báo Mainichi, không dễ để 2 nước duy trì mối quan hệ ấm áp trước những phức tạp của lịch sử. Khả năng không nhỏ nếu đảng đối lập lên cầm quyền ở Hàn Quốc, sóng gió sẽ ấp tới. Tuy nhiên dù bất kỳ tình huống nào, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cần hiểu, quan hệ song phương cải thiện mang lại lợi ích lớn lao cho 2 bên.
Nhu cầu hợp tác rất lớn của doanh nghiệp 2 nước, nhằm phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó là du lịch, giáo dục, y tế, đầu tư, cũng như cùng đối phó thách thức chung từ Triều Tiên và Trung Quốc. Với tất cả lý do trên, 2 bên nên tiếp tục giao tiếp chặt chẽ, và nỗ lực để tăng cường hiểu biết lẫn nhau.