Chờ...

Lý do Triều Tiên im lặng sau lời kêu gọi thống nhất của Hàn Quốc

VOH - Hàng năm vào ngày 15/8, Hàn Quốc và Triều Tiên cùng kỷ niệm sự kiện bán đảo Triều Tiên thoát khỏi ách đô hộ của Nhật Bản.

Dịp này, các Tổng thống Hàn Quốc thường phác thảo tầm nhìn về sự thống nhất bán đảo Triều Tiên, từ khi bị chia cắt năm 1945.

c_korean_penisula
Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt từ năm 1945 - Ảnh: Google map

Năm nay, Tổng thống Yoon Suk Yeol đề xuất một cách mới. Thay vì nhấn mạnh “thống nhất trong hòa bình”, ông đổi thành “thống nhất trong tự do”.

Theo ông, Hàn Quốc cần giúp đỡ người dân Triều Tiên tìm tự do và tiếp cận thông tin ở bên ngoài. Ông mong người dân trên bán đảo, ai cũng được sống trong tự do, hạnh phúc và thịnh vượng.

Cách tiếp cận này có thể báo hiệu chính phủ Hàn Quốc, sẽ tiếp tục không can thiệp vào hoạt động thả bóng bay, chứa tờ rơi chỉ trích Chính phủ của Chủ tịch Kim Jong Un.

Hoạt động trên chủ yếu do người đào tẩu từ Triều Tiên thực hiện. Chính quyền của ông Yoon gần như không can thiệp.

Cách tiếp cận trên cũng mở ra viễn cảnh bán đảo Triều Tiên thống nhất, dựa trên tự do, kinh tế thị trường và tôn trọng quyền con người.

Đến nay, Triều Tiên chưa có phản hồi về đề xuất của ông Yoon. Sự im lặng này là bất thường, vì hầu như Bình Nhưỡng luôn phản ứng ngay, trước các đề xuất thống nhất của Seul.

Theo 1 số chuyên gia, đề xuất của Seoul có thể hướng tới 2 mục tiêu.

Thứ nhất, họ hy vọng với nhiều thông tin tiếp nhận từ bên ngoài, sẽ có thêm người Triều Tiên sang miền Nam sinh sống, dẫn tới nhiều vụ đào tẩu hơn.

Số lượng các vụ đào tẩu đã giảm đáng kể từ năm 2020, sau khi Triều Tiên đóng cửa biên giới vì Covid-19. Sau khi biên giới mở lại năm 2023, lượng người đào tẩu đã tăng gấp 3, lên 196 trường hợp.

Gần đây vào ngày 20/8, Hàn Quốc tuyên bố 1 người lính Triều Tiên đã vượt biên. Đây là vụ thứ 2 trong tuần.

Thứ 2, Hàn Quốc hy vọng các luồng thông tin có thể dẫn đến thay đổi xã hội Triều Tiên. Người dân sẽ muốn có cải cách và mở cửa. Tuy nhiên, viễn cảnh trên được nhận xét khó thành hiện thực. Triều Tiên vẫn kiểm soát chặt chẽ thông tin từ bên ngoài.

Đó là lý do, tầm nhìn của Hàn Quốc có thể không được Triều Tiên đón nhận.

Tầm nhìn thống nhất của ông Yoon, dường như bắt nguồn từ vài tháng trước.

Tháng 3/2024, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc công bố ý định cập nhật lại công thức thống nhất, hay còn gọi là chính sách thống nhất có từ năm 1994.

Công thức này gồm 3 giai đoạn: Hòa giải và hợp tác với Triều Tiên, thành lập cộng đồng chung và cuối cùng là tạo ra nhà nước duy nhất trên bán đảo.

Mặc dù chi tiết các sửa đổi chưa được công bố, nhưng động thái này không gây bất ngờ. Công thức cũ chưa phát huy hiệu quả lớn nào, suốt 30 năm qua.

Sửa đổi cũng được đưa ra, sau khi Chủ tịch Kim Jong Un từ bỏ hy vọng thống nhất.

Tháng 1/2024, trong bài phát biểu tại Quốc hội, ông Kim nói mọi thứ đã thay đổi và Hàn Quốc đã trở thành kẻ thù, chứ không phải đối tác thống nhất.

Thống nhất dựa trên tự do, tức trao cho người dân Triều Tiên bình thường quyền tiếp cận thông tin từ thế giới bên ngoài, là điều mà Bình Nhưỡng luôn phản đối. Ví dụ Triều Tiên đã gửi hàng trăm bóng bay chưa phân và rác về phía Hàn Quốc, để trả đũa vụ thả bóng bay mang tờ rơi.

Theo quan điểm của Triều Tiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm gửi tờ rơi chứa thông tin từ bên ngoài, đều là mối đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của đất nước.