Chờ...

Malaysia cho phép các nhà nhập khẩu dầu cọ nhận nuôi đười ươi

MALAYSIA - Các công ty nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia sẽ có thể nhận nuôi đười ươi nhưng không được đưa đười ươi khỏi đất nước này.

Ngày 18/8, Bộ trưởng Bộ Trồng trọt và Hàng hóa Johari Abdul Ghani thông tin về chính sách trên, đồng thời cam kết sẽ ngăn chặn nạn phá rừng ở Malaysia.

Ông cho biết, 54% diện tích đất nước là rừng và tỷ lệ này sẽ không giảm xuống dưới 50%.

duoi-uoi-190824
Một con đười ươi Borneo cái đang bế con của mình tại một trung tâm phục hồi ở Sepilok, Malaysia - Ảnh: Reuters

Ông Johari cho biết, số tiền quyên góp được từ các công ty nhận nuôi đười ươi sẽ được phân bổ cho các tổ chức phi chính phủ và chính quyền Sabah để giám sát các khu vực rừng nơi loài linh trưởng này sinh sống và theo dõi sự an toàn cũng như tình trạng của các loài động vật.

Ông không cung cấp thông tin chi tiết về chi phí nhận nuôi đười ươi.

Trước đó, vào tháng 5, Bộ trưởng Abdul Ghani đưa ra kế hoạch gửi đười ươi ra nước ngoài như một món quà trao đổi nhằm xoa dịu mối lo ngại về tác động của hoạt động sản xuất dầu cọ đến môi trường sống của loài động vật này.

Kế hoạch vấp phải sự phản đối từ các nhóm bảo tồn vì lo ngại cho phúc lợi của loài đười ươi – vốn có nguy cơ tuyệt chủng - bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Các loài động vật không thể rời khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng. Chúng tôi phải giữ chúng ở đây. Và sau đó chúng tôi sẽ gặp các quốc gia hoặc nhà nhập khẩu dầu cọ của chúng tôi nếu họ muốn hợp tác để đảm bảo rằng những khu rừng này có thể được chăm sóc và bảo tồn mãi mãi".

Tổ chức bảo tồn WWF cho biết, quần thể đười ươi chỉ còn chưa đến 105.000 cá thể trên đảo Borneo.

Kế hoạch "ngoại giao đười ươi" lần đầu tiên được công khai vào tháng 5 sau khi Liên minh châu Âu phê duyệt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng.

Malaysia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới đã mô tả luật này là phân biệt đối xử.

Marc Ancrenaz, Giám đốc khoa học của tổ chức phi chính phủ Hutan cho biết, ông hy vọng kế hoạch này có thể tài trợ cho công tác bảo tồn môi trường sống, chẳng hạn như xây dựng các hành lang giữa các khu rừng bị chia cắt, quá nhỏ để duy trì quần thể động vật hoang dã khả thi.