Chính phủ Malaysia đưa tin, kể từ năm 2019 đến nay, nước này đã “gửi trả lại” 267 container rác thải nhựa về nguồn và hiện đang trong quá trình làm thủ tục tiếp tục “hồi hương” thêm 81 container loại rác này.
Thực tế đã từ lâu, Malaysia đã trở thành điểm đến của rác thải nhựa từ một số nước trên thế giới, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu loại “hàng hóa” này vào đầu năm 2018, khi chính phủ nước này ban lệnh cấm để bảo vệ môi trường cũng như chất lượng không khí.
Theo luật mới của Liên hợp quốc về chất thải nguy hiểm theo Công ước Basel, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2021, là nhằm ngăn chặn việc sản xuất nhựa khó tái chế và ngăn chặn các nước giàu xuất khẩu rác loại này sang các nước đang phát triển, dẫn đến ô nhiễm môi trường đất liền và trên biển.
Công ước mới này cho phép kinh doanh chất thải nhựa dễ dàng tái chế, được sắp sếp ngăn nắp và có sự đồng ý từ nước nhập khẩu.
Trong một thông cáo mới đây, Bộ trưởng Môi trường Malaysia tuyên bố các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn rác thải nhựa nguy hiểm được nhập khẩu với số lượng lớn và hứa rằng nếu các công ty hoặc cá nhân nhập khẩu loại rác vi phạm luật môi trường này sẽ phải đối mặt với "những biện pháp rất nghiêm khắc".