Theo các sửa đổi vừa được thông qua, các lựa chọn thay thế án tử hình bao gồm đánh roi và phạt tù từ 30-40 năm. Thời hạn tù này cũng sẽ áp dụng với tất cả các trường hợp trước đây áp dụng án chung thân suốt đời.
Án tù chung thân - được luật pháp Malaysia quy định là thời hạn cố định 30 năm - sẽ được giữ nguyên. Cũng theo luật sửa đổi, án tử hình sẽ được xóa bỏ đối với một số tội nghiêm trọng nhưng không gây chết người như buôn bán vũ khí và bắt cóc.
Các điều khoản sửa đổi vừa được thông qua sẽ áp dụng đối với 34 tội danh hiện bị kết án tử hình, bao gồm giết người và buôn bán ma túy.
Năm 2018, Malaysia lần đầu tiên cam kết bãi bỏ hoàn toàn án tử hình. Tuy nhiên, một năm sau đó, chính phủ nước này đã rút lại cam kết trên do sức ép chính trị từ một số đảng. Theo đó, chính phủ duy trì án tử hình, nhưng cho phép tòa án thay thế bằng các hình phạt khác tùy theo quyết định của tòa.
Theo dữ liệu chính thức, tại Malaysia, khoảng 1.318 tù nhân đã bị treo cổ từ năm 1992 đến 2023.
Đọc thêm: Trung Quốc tử hình giáo viên đầu độc 25 trẻ mầm non
Tính đến năm 2020, trong số 193 Quốc gia thành viên Liên hợp quốc, 162 quốc gia đã không có vụ hành quyết nào trong ít nhất 10 năm; 112 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình trong luật. Trong số 54 thành viên của Liên minh châu Phi, 47 quốc gia không hành quyết người trong vòng hơn 10 năm qua, 22 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình trong luật. Các quốc gia đã bãi bỏ án tử hình cho rằng, bản án này không ngăn chặn được tội phạm cũng không góp phần tạo nên một xã hội an toàn hơn. Ngược lại, giết người như một hình phạt sẽ kéo dài một chu kỳ bạo lực vô nghĩa. |