Tuy nhiên, người đứng đầu phụ trách vấn đề y tế của hãng dược Moderna, nơi vừa nghiên cứu thành công vắc-xin ngừa COVID-19 có hiệu quả tới 95%, cho biết các sản phẩm tương tự của công ty có thể không giúp cuộc sống trở lại được như bình thường ngay lập tức vì trước mắt vẫn chưa thể chứng minh, có thể ngăn chặn sự lây lan của virus SAR-CoV-2 gây bệnh COVID-19 chết người này.
Ông Tal Zaks, Giám đốc Y tế của Moderna cho hay, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc-xin ngừa COVID-19 của họ có thể giúp con người ngăn ngừa hiệu quả COVID-19, nhưng không có bằng chứng xác thực nào cho thấy vắc-xin có thể giúp con người ngăn được virus "tạm thời", thậm chí có thể lây nhiễm cho những người chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
"Tôi nghĩ chúng ta cần phải thận trọng khi tiêm vắc-xin và không giải thích quá mức về hiệu quả của (vắc-xin). Khi chúng tôi bắt đầu triển khai vắc-xin, chúng tôi chưa có đủ dữ liệu cụ thể để chứng minh rằng vắc-xin này giúp làm giảm sự lây lan", ông Zaks nói với Axios trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 23/1.
"Tôi tin rằng nó sẽ giúp làm giảm sự lây lan không? Hoàn toàn có thể, tôi nói như thế là dựa vào khoa học", ông Zaks nói thêm, "nhưng không có bằng chứng (ủng hộ nhận định này). Tôi cho rằng điều quan trọng là chúng ta không nên chỉ dựa vào việc tiêm chủng mà bỏ qua các biện pháp phòng chống dịch hiện có".
Hồi tuần trước, hãng dược Moderna thông báo vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng có hiệu quả tới 94,5%. Hai hãng dược khác là Pfizer và AstraZeneca cũng báo cáo rằng vắc-xin của họ rất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19.
Tuy nhiên, nhận định trên của Zacks đã gửi đi một tín hiệu khác: Ngay cả khi các hãng dược phẩm sản xuất ra vắc-xin an toàn và hiệu quả với tốc độ đáng kinh ngạc, thì vắc-xin cũng cần có thời gian để có thể chấm dứt cơn đại dịch toàn cầu này và giúp phục hồi nền kinh tế.
Hãng dược Pfizer hôm 20/11 đã đề xuất Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép để vắc-xin của họ có thể được đưa vào sử dụng khẩn cấp. Trong khi đó, hãng dược Moderna dự kiến sẽ đưa ra yêu cầu tương tự trong vài tuần tới.
Giới chức Mỹ cho biết, họ dự định chuẩn bị hàng triệu liều vắc-xin vào cuối năm nay. Tuy nhiên, có thể phải chờ đến mùa Xuân năm 2021 mới có thể phân phối rộng rãi vắc-xin ngừa COVID-19.