Theo đó, chính phủ Mông Cổ bị phản đối vì hàng loạt cáo buộc tham nhũng và những thất bại trong việc hồi sinh nền kinh tế đất nước vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Trước đây, vùng đất giàu tài nguyên Mông Cổ từng có thời gian tự hào vì nền kinh tế phát triển vượt bậc nhờ thu hút được hàng tỷ đô la đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, mâu thuẫn với các nhà đầu tư ngoại quốc như vụ Rio Tinto, chính phủ chi tiêu vượt ngân sách và giá cả hàng hóa bị sụt giảm đã khiến nước này trượt dài trong khủng hoảng kinh tế từ năm 2016 cho đến nay và vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Nhiều người dân mang theo các biểu ngữ với những khẩu hiệu chỉ trích chính phủ vì nhận thấy sự thất bại trong việc giải quyết nạn tham nhũng, tình trạng ô nhiễm, nền kinh tế trì trệ và những khủng hoảng trong công tác sức khỏe cộng đồng.
Tổng thư ký Đảng Dân chủ đối lập Tsevegdorj Tuvaan cũng có mặt trong đoàn người biểu tình, cho biết: "Chính phủ không thực hiện được những lời mà họ đã hứa với dân chúng."
"Quốc hội đã không thể làm cho chính phủ vận hành tốt và có trách nhiệm. Vì vậy, chúng tôi hôm nay yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm", ông Tuvaan nói thêm.
Biểu tình phản đối chính phủ ở Mông Cổ ngày 30/5/2019 (Ảnh: Reuters)
Chính phủ Mông Cổ đã hứa sẽ chi mạnh ngân sách cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và nhà ở bằng cách thu hút hàng tỷ đô la đầu tư nước ngoài, tuy nhiên điều đó đã không thành hiện thực. Chính phủ được điều hành bởi Đảng Dân tộc Mông Cổ, trong khi chức vụ Tổng thống lại do Battulga Khaltmaa - một thành viên của Đảng Dân chủ đối lập, nắm giữ.
Làn sóng chỉ trích chính phủ ngày càng tăng khi một phát ngôn viên quốc hội trước đó đã buộc phải từ chức vì có liên quan đến một vụ bê bối. Theo kế hoạch, Mông Cổ sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào năm 2020.