Siêu bão Amphan đổ bộ khu vực miền đông Ấn Độ vào Bangladesh vào thứ Tư 20/5, mang theo gió cực mạnh và mưa lớn và theo số liệu mới nhất đã có ít nhất 15 người thiệt mạng.
Phần lớn thành phố Kolkata - thủ phủ bang Tây Bengal ở bờ biển phía đông Ấn Độ với 14 triệu dân đã chịu cảnh mất điện suốt 17 giờ qua và giao thông liên lạc bị gián đoạn vì ảnh hưởng của bão. Nhiều hình lan truyền trên mạng xã hội còn cho thấy các đường dây điện bị nổ khi cơn bão quét qua, cây cối bật gốc ngã đổ, các cột đèn giao thông và đèn đường đều đồng loạt bị xô ngã. Đường sá ngập sâu trong nước lũ, ô tô lật nhào kẹt dưới các cây bị đổ và cầu đường thì bị phá hủy.
Thủ hiến bang Tây Bengal - bà Mamata Banerjee nhận định sự tàn phá mà địa phương này đang trải qua còn nghiêm trọng hơn cả đại dịch Covid-19. Bà cho biết: “Rất nhiều nơi đã bị phá hủy hoàn toàn. Tôi cảm giác tình huống này giống như vừa trải qua chiến tranh vậy.” Thành phố Kalkota hiện có tới hơn 3.100 trường hợp nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, bà Mamata thông tin thêm có khoảng 10 - 12 người đã thiệt mạng vì bão Amphan ở bang Tây Bengal. Ba quận gồm Nam Parganas, Bắc Parganas và Đông Midapore là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Một người phụ nữ bế con trai vội vã đến nơi an toàn hơn sau khi họ di tản khỏi khu ổ chuột trước khi bão Amphan đổ bộ tại Kolkata, Ấn Độ ngày 20/5. Ảnh: Reuters
Siêu bão Amphan tàn phá nhà cửa, đường sá ở Ấn Độ và Bangladesh. Ảnh: Reuters, Al Jazeera, ANI
Người dân địa phương cũng đã bày tỏ cảm xúc sợ hãi, lo ngại khi cơn bão đổ bộ và những tòa nhà cao tầng thì có cảm giác đung đưa rung lắc như động đất.
Tại nước láng giềng Bangladesh, nhà chức trách thông báo có ít nhất bốn người thiệt mạng và nhiều khu vực bị mất điện.
Chính quyền Bangladesh đã di dời khoảng 2,4 triệu người tới hơn 15 nghìn nơi tránh trú bão. Nhưng các quan chức nước này hiện lo ngại các cánh đồng bị tàn phá và một lượng lớn đất nông nghiệp màu mỡ bị cuốn trôi sau bão.
Các cơn bão lốc thường xuyên đổ bộ và tàn phá nhiều khu vực ở miền đông Ấn Độ và Bangladesh trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 hàng năm, buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán và gây thiệt hại trên diện rộng.