Reuters dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Mỹ đang xem xét thương vụ bán 25 tiêm kích F-15 của hãng Boeing cho Israel kể từ khi nhận được yêu cầu chính thức vào tháng 1/2023 - hơn nửa năm trước khi bùng nổ chiến sự ở Gaza. Yêu cầu này đã nâng tổng số tiêm kích F-15 mà Israel muốn mua của Mỹ lên thành 50 chiếc.
Việc đẩy nhanh quá trình bàn giao F-15 là một trong những yêu cầu hàng đầu của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ông Gallant đã đến Washington vào tuần trước và có buổi làm việc với các quan chức Mỹ, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Tổng thống Biden đang đối mặt với áp lực từ các đối tác nước ngoài, các nhóm nhân quyền và một số thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội về việc phải áp đặt các điều kiện chuyển giao vũ khí nhằm kiềm chế cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza.
Theo giới chức y tế ở Gaza, cuộc chiến nổ ra từ tháng 10/2023 đến nay đã khiến hơn 32.000 người Palestine thiệt mạng.
Một quan chức Mỹ cho biết thời gian sớm nhất để chuyển giao máy bay là năm 2029, khi thông báo chính thức được gửi tới Quốc hội Mỹ vào ngày 2/4 và được xử lý ngay lập tức.
Israel đang tìm cách tăng cường phi đội máy bay chiến đấu, không chỉ để tiếp tục đối phó với phong trào vũ trang Hamas mà còn để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào từ nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon do Iran hậu thuẫn.
Theo các nguồn thạo tin, gói vũ khí của Israel bao gồm 50 máy bay chiến đấu F-15 cùng các dịch vụ hỗ trợ, đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng và sự hỗ trợ của nhà sản xuất trong suốt vòng đời của máy bay, thông thường có thể kéo dài tới 2 thập kỷ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul đã bật đèn xanh cho thương vụ F-15 nói trên từ ngày 30/1, khi các văn phòng quốc hội chịu trách nhiệm phê duyệt các giao dịch vũ khí lớn được thông báo, Reuters dẫn lời một quan chức của ủy ban này cho biết.
Theo luật pháp Mỹ, Quốc hội nước này phải được thông báo về các thỏa thuận mua bán vũ khí lớn với nước ngoài và được quyền ngăn chặn giao dịch.
Đồng thời, một quy trình không chính thức cũng cho phép các lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của cả Thượng viện và Hạ viện xem xét các thỏa thuận như vậy trước khi thông báo chính thức tới Quốc hội.
Washington đã công khai bày tỏ quan ngại về nỗ lực quân sự mà Israel dự định theo đuổi tại Rafah, thành phố cực nam của Dải Gaza, nơi nhiều người Palestine đang trú ẩn sau khi phải đi sơ tán vì xung đột. Tổng thống Biden đã kêu gọi Israel không tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn ở Rafah để tránh gây thêm thương vong cho dân thường.
Ngày 1/4, phía Israel đã đồng ý xem xét lo ngại của Mỹ về kế hoạch tấn công Rafah và sẽ tổ chức thảo luận giữa các chuyên gia về vấn đề này, theo một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến giữa quan chức hai bên.