Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) cho biết, khoản tài trợ này sẽ được chuyển đến các đối tác "để cung cấp viện trợ cần thiết khẩn cấp cho hàng triệu người", bao gồm thực phẩm, nơi ở và các dịch vụ y tế khẩn cấp.
USAID cho biết trong một tuyên bố rằng, khoản tài trợ này cũng sẽ hỗ trợ nước uống an toàn và vệ sinh để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
Thông báo này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ Năm có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu để thảo luận về nhu cầu của đồng minh NATO.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói với các phóng viên: “Chúng tôi tự hào được tham gia các nỗ lực toàn cầu để giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ giống như việc Thổ Nhĩ Kỳ thường đóng góp các chuyên gia cứu hộ nhân đạo của mình cho rất nhiều quốc gia khác trong quá khứ”.
Bộ Tài chính sau đó đã tuyên bố dỡ bỏ tạm thời một số biện pháp trừng phạt liên quan đến Syria, với hy vọng đảm bảo rằng viện trợ sẽ được chuyển đến những người bị ảnh hưởng nhanh nhất có thể.
Bộ cho biết, động thái này cho phép các hoạt động liên quan đến cứu trợ động đất trong 180 ngày dù các chương trình trừng phạt của Mỹ vốn "đã bao gồm các miễn trừ mạnh mẽ cho các nỗ lực nhân đạo".
Đọc thêm: Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Chị che bụi cho em trong 36 giờ mắc kẹt giữa đống đổ nát
Mỹ đã gửi các đội cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ và đã đóng góp máy phá bê tông, máy phát điện, hệ thống lọc nước và máy bay trực thăng.
USAID cho biết, các đội cứu hộ đang tập trung vào Adiyaman bị tàn phá nặng nề - một thành phố ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm những người sống sót bằng chó, máy ảnh và thiết bị nghe.
Sau những thiệt hại nghiêm trọng đối với đường sá và cầu cống, quân đội Mỹ đã cử trực thăng Black Hawk và Chinook chuyển hàng tiếp tế.
Tính đến sáng ngày 10/2, số người chết trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã lên tới 21.000 người. Các nỗ lực tìm kiếm vẫn tiếp tục nhưng cơ hội tìm thấy những người sống sót đang mờ dần.