Trong thông báo ngày 5/2, Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Mỹ (NORTHCOM) nêu rõ: "Các đơn vị Hải quân Mỹ hiện đang tiến hành các hoạt động tìm kiếm, thu thập, với sự hỗ trợ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ trong việc bảo vệ khu vực và duy trì an toàn công cộng".
Hải quân Mỹ đã triển khai đội thợ lặn chuyên nghiệp cùng nhiều tàu chiến - gồm tàu khu trục USS Oscar Austin, tàu tuần dương USS Philippine Sea và tàu tác chiến duyên hải USS Carter Hall để thiết lập vành đai bảo vệ, hỗ trợ việc tìm kiếm.
Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết, các mảnh vỡ bị rơi xuống độ sâu 14m nên việc trục vớt dự kiến sẽ không gặp khó khăn. Ông hy vọng việc tìm kiếm sẽ diễn ra nhanh và thành công để công tác phân tích được mau chóng được tiến hành.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định việc trục vớt và khôi phục khinh khí cầu sẽ giúp Mỹ hiểu hơn về việc có hay không các hoạt động do thám của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ đánh giá loại khinh khí cầu này có "giá trị hạn chế" trong thu thập thông tin tình báo.
Trước đó vào ngày 4/2 (giờ địa phương), Mỹ đã huy động tiêm kích F-22 sử dụng tên lửa bắn hạ vật thể bay được cho là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, sau nhiều ngày vật thể này bay trong không phận Mỹ.
Phía Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu, cho rằng Mỹ đã phản ứng thái quá trước sự cố một thiết bị bay dân sự đi lạc, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động đáp trả.