Tính đến tháng 6 vừa qua, gần 500.000 người thuộc các quốc tịch nêu trên đã tới Mỹ trong khuôn khổ chương trình thị thực nhân đạo sau khi nộp đơn trực tuyến đề nghị được bảo trợ và tự chi trả vé máy bay.
Đây là chính sách quan trọng của chính phủ Mỹ do Đảng Dân chủ nắm quyền nhằm tạo ra hoặc mở rộng các con đường nhập cảnh hợp pháp, đồng thời hạn chế quyền tị nạn đối với những người vượt biên trái phép.
Bộ An ninh Nội địa (DHS) của Mỹ ngày 2/8 cho biết đã “tạm dừng” việc cấp giấy phép mới để xem xét lý lịch của các nhà tài trợ.
Bộ An ninh Nội địa nhấn mạnh cơ quan này chưa xác định được bất kỳ rủi ro an ninh nào liên quan đến người dân từ 4 quốc gia được đề cập và cam kết sẽ “khởi động lại việc xử lý đơn đăng ký càng sớm càng tốt, với các biện pháp phòng vệ thích hợp.”
Đảng Cộng hòa Mỹ ngay lập tức chỉ trích chương trình thị thực nhân đạo. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson khẳng định chương trình này lẽ ra ngay từ đầu đã không nên được triển khai bởi “đây là cách chính phủ Biden-Harris chào đón hàng trăm ngàn người nước ngoài vào Mỹ mà không có bất cứ hạn chế nào.”
Chính sách thị thực nhân đạo bắt đầu được áp dụng đối với người Venezuela từ tháng 10/2022 và đối với ba quốc tịch còn lại từ tháng 1/2023.
Đây là những quốc gia có số lượng lớn người di cư đến Mỹ và thường từ chối nhận lại công dân bị trục xuất.
Chính sách này đi kèm với cam kết từ Mexico trong việc tiếp nhận người dân từ những quốc gia vượt biên giới Mỹ bất hợp pháp.
Theo chính sách này, Mỹ tiếp nhận tối đa 30.000 người mỗi tháng từ các quốc gia kể trên trong hai năm với khả năng xin giấy phép lao động.
Theo dữ liệu từ Văn phòng Hải quan và Bảo vệ Biên giới, tính đến tháng 6 vừa qua, hơn 194.000 người Haiti, 110.000 người Venezuela, 104.000 người Cuba và 86.000 người Nicaragua được hưởng lợi từ chương trình thị thực nhân đạo. Các vụ bắt giữ người mang bốn quốc tịch nêu trên vì vượt biên trái phép đã giảm.
Trong nửa đầu năm nay, Mỹ đã bắt giữ 5.065 người Cuba, trong khi chỉ riêng tháng 11/2022 con số này là 42.000 người. Trong sáu tháng đầu năm nay, 304 người Haiti đã bị bắt, so với gần 18.000 người hồi tháng 9/2021.