Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, chính quyền Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào liên quan đến thuế quan. Theo đó, Washington và Bắc Kinh có thể nhất trí về việc không áp thuế bổ sung mới như một cử chỉ thiện chí để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán thương mại tiếp diễn. Tuy nhiên, vị này khẳng định hiện vẫn chưa rõ liệu các cuộc đàm phán có được nối lại hay không và nếu có, Washington sẽ không nhượng bộ. Vị quan chức giấu tên cũng cho biết, Mỹ chỉ quay trở lại bàn đàm phán khi Trung Quốc cam kết thực hiện các lời hứa mà nước này đã rút lại trước khi các cuộc đàm phán bị phá vỡ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa sẽ áp mức thuế mới lên số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trị giá lên tới 325 tỷ USD - bao gồm tất cả các mặt hàng tiêu dùng còn lại chưa bị áp các mức thuế cũ trước đây như điện thoại di động, máy tính và cả quần áo. Điều này sẽ được thực hiện nếu cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đạt được tiến triển nào trong việc giải quyết các khiếu nại giữa các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 24/6, Phó thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhằm giúp tạo ra lộ trình mới cho quá trình đàm phán giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung.
Tổng thống Trump có thể có cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 – nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới – tại Nhật Bản vào cuối tuần này, ngày 29/6.
Đây là lần đầu tiên ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình gặp gỡ kể từ khi đàm phán thương mại bế tắc vào tháng 5 năm nay. Sự tiếp xúc giữa hai bên kể từ đó đã bị hạn chế, và Tổng thống Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong một cuộc leo thang mà doanh nghiệp cả hai bên đều muốn tránh.
Sự kỳ vọng cho cuộc gặp sắp tới cho đến nay dường như được đánh giá thấp. Kịch bản tốt nhất sẽ là hai bên nối lại các cuộc đàm phán chính thức, điều này chỉ có thể làm giảm bớt nỗi lo về cuộc xung đột thương mại vốn đã làm suy yếu thị trường toàn cầu và làm tổn thương nền kinh tế thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 1/-2017. (Ảnh: Reuters)
Các cố vấn của Tổng thống Trump cho biết sẽ không có thỏa thuận thương mại rộng lớn nào được ký kết tại cuộc gặp. Khi các cuộc đàm phán được nối lại, chúng có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để hoàn tất, quan chức giấu tên của Mỹ khẳng định.
Cả Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang khẳng định lại lập trường kiên quyết trước đây. Trong khi Washington kêu gọi thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc và cách thức Trung Quốc đối xử với các doanh nghiệp Mỹ, thì Bắc Kinh đáp lại bằng cách kêu gọi đối thoại thay vì áp đặt thuế quan cao.