Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mỹ - Trung có đổ vỡ đàm phán thương mại?

(VOH) - Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế lên mức 25% đối với 200 tỷ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc từ ngày hôm nay 10/5.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Mỹ đàm phán thương mại vào ngày hôm nay, dự báo căng thẳng sẽ bùng phát trong quan hệ song phương.

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump được đưa ra ngày 5/5 với thông điệp tăng mức thuế hiện từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la Mỹ, đồng thời áp thuế 25% đối với 325 tỷ đô la Mỹ hàng hóa bổ sung của Trung Quốc. Tất cả sẽ áp dụng từ hôm nay (10/5). Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau đó, tức tối ngày 8/5, Tổng thống Donald Trump đã chính thức công bố sẽ áp 25% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, bất kể kết quả đàm phán thương mại Mỹ-Trung cuối tuần này sẽ ra sao.

Mỹ - Trung có đổ vỡ đàm phán thương mại

Ảnh minh họa. 

Động thái mới nhất của ông chủ Nhà Trắng đưa ra chỉ 1 ngày trước khi phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu dự kiến tới Washington để tiến hành vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung với mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận thương mại song phương. Trước đó, cảnh báo tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc đã được Tổng thống Donald Trump đưa ra vài lần từ năm ngoái trong các cuộc đàm phán thương mại. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai nước diễn ra quá chậm và rằng Trung Quốc đang tìm cách đàm phán lại. Với tuyên bố tăng thuế lần này, Tổng thống Donald Trump đang muốn chơi một nước cờ cứng rắn để buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật chơi.

Phản ứng trước động thái mới nhất từ phía Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này cũng sẽ phải đưa ra các biện pháp đối phó, đáp trả cần thiết. Trên thực tế, tháng 12 năm ngoái, Washington và Bắc Kinh đã tạm đình chỉ cuộc chiến thuế quan để đàm phán về một thỏa thuận thương mại sâu rộng đáp ứng được yêu cầu của cả hai. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cho biết hai bên đã đồng ý về “rất nhiều điểm gai góc nhất”, nhưng nhấn mạnh thêm rằng "vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết". Vòng đàm phán mới nhất kết thúc ngày 1/5 ở Bắc Kinh được phía Mỹ đánh giá là "đạt hiệu quả", tạo hy vọng rằng vòng đàm phán sắp tới sẽ đem tới một thỏa thuận. Thế nhưng với tuyên bố “sẽ áp thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc” từ ngày mai, cho dù kết quả đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ ra sao, không chỉ cho thấy sự cứng rắn của Mỹ mà còn báo hiệu một cuộc đối đầu thương mại chính thức giữa Washington và Bắc Kinh.

Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có sự đổ vỡ này trong bối cảnh 9 tháng đàm phán vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã gặt hái được nhiều kết quả đáng kể?

Hãng tin Anh Reuters cho biết tối thứ sáu tuần trước, Bắc Kinh đã gửi tới Washington phần sửa đổi với dự thảo thỏa thuận thương mại gần 150 trang, có khả năng xóa sạch kết quả đàm phán trong 9 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự thay đổi của Trung Quốc khiến Mỹ rất bất ngờ.

Theo đó, trong 7 chương của dự thảo thỏa thuận, mỗi chương, Trung Quốc lại xóa đi phần cam kết trước đó của nước này về việc thay đổi các điều luật, vốn để giải quyết các quan ngại chủ chốt khiến Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại. Đó là đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại, ép buộc chuyển giao công nghệ, chính sách về cạnh tranh, tiếp cận dịch vụ tài chính và thao túng tiền tệ. Hãng tin Anh Reuters cho biết "Động thái của Trung Quốc đã làm yếu đi đáng kể cấu trúc lõi của thỏa thuận.” Đến tối Chủ nhật, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã đáp trả Trung Quốc bằng dòng trạng thái trên Twitter rằng ông sẽ tăng thuế với 200 tỷ đô la Mỹ hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%.

Còn tờ New York Times nhận định sự thay đổi của Trung Quốc đánh thẳng vào ưu tiên cao nhất của Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer - khi ông này luôn cho rằng việc Trung Quốc phải sửa đổi luật pháp là cần thiết. Thay vì thỏa thuận thương mại thông thường, Đại diện Thương mại Mỹ muốn thúc đẩy một cơ chế giám sát Trung Quốc - tương tự cách áp dụng trong  trừng phạt kinh tế, như với Triều Tiên hay Iran. Đó thực sự là điều khiến Trung Quốc lo ngại. Và do Trung Quốc đã nhiều lần thất hứa, đặc biệt là với các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nên phía Mỹ đã quyết định áp thuế 25% đối với 200 tỷ đô la Mỹ hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc.

Sau các tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, hiện thị trường chứng khoán châu Á đã giảm điểm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần gần đây. Tại Mỹ và châu Âu, nhiều chỉ số chứng khoán giảm điểm mạnh. Các nhà đầu tư đang chờ tin từ vòng đàm phán giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với phía Mỹ tại Washington. Liệu Trung Quốc có thể cứu vãn được “thỏa thuận thương mại” mà hai bên đã thống nhất được 90% hay không? Theo chuyên gia kinh tế Steve Cochrane của Singapore, nếu quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành hiện thực, nó sẽ là 1 yếu tố thay đổi cuộc chơi của nền kinh tế toàn cầu. Đây sẽ là 1 kịch bản “tồi tệ” nhất khi nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và toàn cầu sẽ bị giảm đáng kể.

Ở một góc nhìn khác, tờ Chính sách Đối ngoại (Foreign Affairs) số ra hôm 9/5 nhận định, chính sách của chính quyền Mỹ hiện tại là răn đe quyết liệt các đối tác và đối thủ để giành lấy lợi thế cao nhất cho mình trên bàn đàm phán, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Chính sách này đang gây ra các quan điểm trái chiều đối với vai trò của nước Mỹ. Giới phân tích lo ngại việc đe dọa và gây áp lực không mang lại kết quả tốt, không giúp thuyết phục đối phương tự nguyện nhượng bộ nên cách tiếp cận của Mỹ dự báo sẽ tiếp tục mang lại nhiều xung đột thương mại, không chỉ riêng trong trường hợp của Trung Quốc.

Thời điểm này, người ta đang chờ đợi thêm những động thái từ Trung Quốc để xem tiến trình đàm phán cuối tuần này sẽ diễn ra theo chiều hướng nào.

Đề phòng ăn theo quy hoạch - Mới đây Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM công bố thiết kế cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp, nối hai bờ thuộc huyện Nhà Bè và Cần Giờ.
Thông điệp mới của Triều Tiên - Hôm qua (25/4), Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thành phố Vladivostok của Nga để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga V.Putin.
Bình luận