Chờ...

Mỹ - Indonesia khởi công trung tâm huấn luyện hàng hải chiến lược

(VOH) - Mỹ và Indonesia vừa khởi công xây dựng trung tâm huấn luyện chung trị giá 3.5 triệu USD tại khu vực hàng hải chiến lược đảo Batam thuộc quần đảo Riau ở Indonesia.

Thông tin trên được Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia xác nhận.

Tham dự lễ khởi công được tổ chức trực tuyến ngày 26/6, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kum cho biết trung tâm huấn luyện hàng hải này là một phần trong những nỗ lực chung của hai nước đối với việc duy trì an ninh trong khu vực.

“Là một người bạn và cũng là đối tác của Indonesia, nước Mỹ tiếp tục giữ vững cam kết hỗ trợ vai trò quan trọng của Indonesia trong việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực, thông qua các nỗ lực chống lại tội phạm trong nước và tội phạm xuyên quốc gia” - trích lời Đại sứ Mỹ Sung Kim được nêu trong thông cáo của Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia (Bakamla).

Trung tâm huấn luyện mới của Mỹ và Indonesia nằm tại vị trí giao nhau mang tính chiến lược giữa Eo biển Malacca (nằm giữa bán đảo Malay và đảo Sumatra, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương), được trang bị hệ thống các lớp học, doanh trại và cả một bệ phóng cũng sẽ được xây dựng.

Mỹ - Indonesia khởi công trung tâm huấn luyện hàng hải chiến lược
Lễ khởi công trung tâm huấn luyện hàng hải của Mỹ và Indonesia diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 25/6. Ảnh: CNA

Thứ trưởng về chính sách và chiến lược của Cơ quan An ninh Hàng hải, Chuẩn Đô đốc Bakamla Tatit E Witjaksono cho biết, trung tâm đào tạo với kinh phí xây dựng 3,5 triệu USD này sẽ do Cơ quan An ninh Hàng hải sở hữu và điều hành.

Trung tâm đào tạo này sẽ là một công cụ quan trọng để Cơ quan An ninh Hàng hải nâng cao năng lực của các nhân viên Cơ quan An ninh Biển trong việc ứng phó với những thách thức của nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn trên biển.

Việc Mỹ hợp tác với quốc gia có số lượng đảo và quần đảo lớn nhất thế giới như Indonesia diễn ra trong bối cảnh căng thẳng vẫn đang gia tăng trong khu vực Biển Đông, khi Philippines trong tháng 5 vừa qua đã liên tiếp phản đối sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại các thực thể mà chính quyền Manila có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Phía Philippines nói đó là các tàu dân quân, trong khi Trung Quốc khẳng định đó chỉ là tàu cá bình thường.

Đầu tháng này, ngoại trưởng các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cũng đã có cuộc họp và nhất trí kiềm chế, tránh các hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Ngoài ra, vào tối ngày 24/6, vấn đề Biển Đông cũng đã được ra tại Hội nghị trực tuyến Quan chức cao cấp (SOM) các nước tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) - gồm các nước ASEAN và các đối tác EAS là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Úc, New Zealand.

Đối với Biển Đông - tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới - các nước nhấn mạnh cần phối hợp bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác; kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.