Các cuộc biểu tình ở Iraq bắt đầu từ ngày 1/10 và đang ngày càng lan rộng và có tính chất leo thang thành bạo động. Ban đầu các cuộc biểu tình nổ ra tập trung phản đối tình trạng thất nghiệp triền miên và các dịch vụ cơ bản của đất nước bị thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, làn sóng phản đối nhanh chóng phát triển thành sự bất mãn và tố cáo hệ thống chia sẻ quyền lực bí mật trong chính phủ từ năm 2003 và nhóm các chính trị gia được hưởng lợi từ hệ thống này.
Lực lượng an ninh Iraq đã sử dụng đạn dược, hơi cay và lựu đạn để đối phó với người biểu tình - trong đó phần lớn là thanh niên và những người không trang bị vũ khí. Sự việc đã khiến hơn 280 người biểu tình thiệt mạng.
Tình hình bạo loạn phản đối chính phủ đã diễn ra suốt hơn một tháng qua tại Iraq. Ảnh: Reuters
Trong một thông cáo ra ngày thứ hai 11/11 của Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, thư ký văn phòng báo chí tại Nhà Trắng cho biết: "Nước Mỹ tham gia vào nhiệm vụ hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc đến Iraq nhằm kêu gọi chính phủ Iraq nhanh chóng ngưng việc sử dụng bạo lực nhằm vào người biểu tình, đồng thời thực hiện lời hứa của Tổng thống Iraq - ông Salih, về việc thông qua cải tổ hệ thống bầu cử và tiến hành bầu cử sớm để giải quyết tình hình hiện nay."
Truyền thông địa phương Iraq cho hay, các nhà lãnh đạo nước này đã đạt được sự đồng thuận vào ngày chủ nhật cuối tuần qua về việc cải cách bầu cử, trong đó những người trẻ sẽ được trao nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia vào chính trị và phá vỡ sự độc tài quyền lực của các đảng phái chính trị trong việc thống trị các thể chế Nhà nước Iraq suốt thời gian qua.
Tình trạng bất ổn hiện nay ở quốc gia Trung Đông này được cho là tồi tệ nhất trong vòng hai năm trở lại đây, và là một trong những thách thức lớn nhất, phức tạp nhất đối với giới lãnh đạo Iraq kể từ khi lên nắm quyền sau sự kiện Mỹ đem quân đội vào Iraq và Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003.