Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu James O’Brien đã cho biết như vậy vào ngày 8/11.
Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông O’Brien cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo trong Nhóm 7 Nước Công nghiệp Phát triển (G7) trước đó đã xác nhận rằng Nga phải trả chi phí tổn thất cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Số tài sản bị phong tỏa của Nga ở phương Tây lên tới khoảng 300 tỷ USD sẽ không được trả lại cho Nga cho đến khi nước này tiến hành chi trả chi phí tổn thất trên.
Cũng trong ngày 8/11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã cảnh báo việc phương Tây tịch thu và phong tỏa tài sản của Nga sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực, như một tiền lệ đối với sự phát triển chung của hệ thống tài chính toàn cầu.
Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh, Moskva sẽ có biện pháp pháp lý giải quyết việc các tài sản của Nga bị tịch thu ở phương Tây. Ngoài ra, Nga sẽ nghiên cứu các biện pháp đáp trả phù hợp nhất với các lợi ích của mình.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh, một phần tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài bị phong tỏa tại Nga có thể được đổi lấy tài sản bị phong tỏa của người Nga ở nước ngoài. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, hiện có hơn 3,5 triệu công dân Nga có tài sản trị giá tới 1.500 tỷ ruble (16,3 tỷ USD) bị phong tỏa ở nước ngoài.
Chính quyền Nga đề xuất đổi số tiền bị phong tỏa này lấy tiền mà người nước ngoài tích lũy trong tài khoản loại “C” ở Nga.
Kể từ khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU và Mỹ đã áp đặt một số gói trừng phạt đối với Nga, bao gồm các hạn chế về thương mại và trừng phạt cá nhân đối với các nhà tài phiệt Nga.
Phương Tây cũng đã đóng băng gần 300 tỷ USD dự trữ liên bang của Nga, được phân bổ cho các tài sản của phương Tây.
Khoản tiền 300 tỷ USD bị đóng băng của Nga chủ yếu được giữ dưới dạng trái phiếu chính phủ của Mỹ, Anh và Đức. Chính phủ của các quốc gia này biết chính xác Nga đã mua bao nhiêu trái phiếu và ngân hàng nào đã tham gia vào các giao dịch lớn như vậy.
Các nước châu Âu và Mỹ có thể sử dụng một số công cụ để tịch thu 300 tỷ USD của Nga. Tuy nhiên, điều này không đơn giản vì thiếu khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là có thể vi phạm quyền miễn trừ chủ quyền, ngăn cản nước này lấy tiền của nước khác.