Ngày 10/3 đánh dấu sự sụp đổ của SVB khi chính quyền bang California tiếp quản ngân hàng và bàn giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý.
Trong thông báo tiếp quản SVB, Bộ Bảo vệ Tài chính và Đổi mới bang California cho biết ngân hàng này không còn đủ thanh khoản và mất khả năng thanh toán. Công ty quản lý hiện tại là FDIC sẽ tiến hành thanh lý tài sản ngân hàng để trả cho những người gửi tiền và chủ nợ của SBV.
Theo FDIC, những người gửi tiền có bảo hiểm sẽ nhận lại tiền của mình trước ngày 13/3. Những người gửi tiền không có bảo hiểm sẽ nhận được chứng chỉ đảm bảo cho phần tiền không có bảo hiểm đó.
Việc FDIC tiếp quản SVB vào giữa buổi sáng cũng là điều đáng chú ý, vì cơ quan này thường đợi đến khi thị trường đóng cửa rồi mới can thiệp.
“Tình trạng của SVB xấu đi quá nhanh đến mức không thể kéo dài thêm dù chỉ vài tiếng đồng hồ. Điều này là do những người gửi tiền đồng loạt đi rút tiền và khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán. Việc đóng cửa trong ngày hôm nay là không thể tránh khỏi", Dennis M. Kelleher, Giám đốc điều hành của Better Markets, cho biết.
Sự sụp đổ của SVB được cho là bắt đầu vào ngày 8/3, khi ngân hàng này thông báo bán tháo một loạt cổ phiếu và huy động vốn lên tới hơn 2 tỷ USD vì thua lỗ. Điều này đã gây sự hoảng loạn ở các công ty đầu tư mạo hiểm và đã khuyến cáo doanh nghiệp rút tiền khỏi ngân hàng Silicon Valley.
Đến ngày 10/3, cổ phiếu SBV bị tạm dừng giao dịch, và ngân hàng đã từ bỏ nỗ lực tăng vốn hoặc tìm người mua.
Sự suy yếu dần của SVB được cho là đến từ các động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm 2022.
Theo CNBC, việc SVB đóng cửa là vụ sụp đổ lớn nhất của một ngân hàng kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, và lớn thứ hai trong lịch sử.
SVB được thành lập vào năm 1983 bởi Bill Biggerstaff và Robert Medearis. Hoạt động của SVB tập trung vào cung cấp tài chính cho các start-up công nghệ. Ngân hàng này có khoảng 209 tỷ USD tài sản và 175 tỷ USD tiền gửi, theo báo cáo năm 2022.