Chờ...

Mỹ: PepsiCo bị kiện vì chai nhựa gây ô nhiễm môi trường

VOH - Tổng chưởng lý New York, bà Letitia James tuyên bố, PepsiCo là tác nhân lớn nhất gây ra tình trạng ô nhiễm dọc theo sông Buffalo (New York) - theo NYtimes.

Ngày 15/11, Tổng chưởng lý New York đệ đơn kiện PepsiCo, cáo buộc gã khổng lồ thực phẩm và đồ uống gây nguy hiểm cho môi trường và gây hiểu lầm cho công chúng về mục tiêu loại bỏ nhựa sử dụng một lần trong bao bì của mình.

Hồ sơ khiếu nại đã được nộp lên tòa án bang ở hạt Erie. Đây cũng là một trong những đơn kiện đầu tiên mà một chính quyền bang ở Mỹ nhằm vào một công ty gây thải nhựa lớn. 

Tổng chưởng lý Letitia James cho biết, văn phòng của bà đã phát hiện ra rằng phần lớn rác thải nhựa dọc sông Buffalo là từ các sản phẩm của công ty.

PepsiCo
Một cuộc khảo sát về rác thải dọc sông Buffalo cho thấy, các sản phẩm của PepsiCo như chai, giấy gói và túi đựng khoai tây chiên - chiếm hơn 17% lượng rác có thể xác định được - Ảnh: Bloomberg

Bà James đang yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại và đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm ở vùng Buffalo do sản phẩm của công ty gây ra, đồng thời giảm số lượng bao bì nhựa của PepsiCo đổ ra sông. 

Bà James cũng yêu cầu PepsiCo ngừng bán hoặc phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần tại khu vực Buffalo không có nhãn cảnh báo “đầy đủ”.

Bà James cho biết: “Tất cả người dân New York đều có quyền cơ bản được sử dụng nước sạch, tuy nhiên việc đóng gói và tiếp thị vô trách nhiệm của PepsiCo gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp nước, môi trường và sức khỏe cộng đồng của Buffalo”.

Năm 2022, văn phòng tổng chưởng lý đã tiến hành một cuộc khảo sát về tình trạng ô nhiễm ở sông Buffalo và phát hiện mức độ ô nhiễm cao từ các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Một phát ngôn viên của PepsiCo cho biết, công ty “nghiêm túc trong việc giảm thiểu nhựa và tái chế hiệu quả, đồng thời đã minh bạch trong hành trình giảm sử dụng nhựa và đẩy nhanh đổi mới bao bì mới”.

PepsiCo, có trụ sở tại Purchase, New York, sản xuất đồ ăn nhẹ như khoai tây chiên Lay's và nước ngọt Mountain Dew. 

Cùng với một số công ty khác, họ đã cam kết phát triển bền vững và đặt mục tiêu làm cho tất cả bao bì của mình “có thể tái chế, phân hủy, phân hủy sinh học hoặc tái sử dụng” vào năm 2025. Công ty cũng cho biết, họ muốn cắt giảm 50% nhựa nguyên chất vào năm 2030, so với năm 2030.

Văn phòng của bà James nói rằng, cho đến nay công ty đã không tuân thủ và trong quá trình này, đã góp phần gây phiền toái cho cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe cho người dân New York.