Mỹ: phát hiện phong bì chứa chất độc ricin được gửi đến Nhà Trắng

Ngày 19/9, nhiều kênh truyền thông lớn của Mỹ đưa tin một phong bì chứa chất độc có thể gây chết người, được xác định là ricin, đã được gửi đến Nhà Trắng.

Nhật báo New York Times, Wall Street Journal và kênh truyền hình CNN ngày dẫn thông tin từ một quan chức liên bang Mỹ cho biết, chiếc phong bì - được cho là gửi từ Canada - đã bị chặn lại tại một trung tâm thư tín của chính phủ trước khi tới Nhà Trắng.

Khi được hỏi về thông tin liên quan, Cục Điều tra Liên bang (FBI) cho biết đang phối hợp với Cơ quan Mật vụ (USSS) và Cơ quan Thanh tra Bưu điện Mỹ điều tra một phong bì khả nghi nhận được tại một cơ sở thư tín của chính phủ.

Hiện tại, không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự an toàn công cộng. Trong khi đó, Nhà Trắng và USSS đã từ chối bình luận về thông tin vừa đề cập.

Quang cảnh bên ngoài Nhà Trắng của Mỹ. (Ảnh: TMZ)

Ricin là một chất độc được tìm thấy tự nhiên trong các hạt thầu dầu. Chất này có thể được sử dụng để tạo thành vũ khí sinh học và có thể gây tử vong trong vòng 36 đến 72 giờ kể từ khi tiếp xúc với một lượng nhỏ như đầu kim. Hiện không có thuốc giải độc cho chất độc này. Trong những năm qua, đã có một số vụ việc liên quan tới các phong bì thư chứa chất ricin được gửi tới các quan chức Mỹ.

Vào năm 2018, William Clyde Allen III ở Utah đã bị truy tố vì gây ra các mối đe dọa liên quan đến ricin, trong đó có việc gửi thư có chứa hạt thầu dầu nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức liên bang khác, bao gồm Giám đốc FBI Christopher Wray. Allen vẫn đang bị giam giữ.

Hai đối tượng khác cũng đã bị kết án trong các vụ việc riêng biệt khi gửi thư nhiễm chất độc ricin cho Tổng thống Barack Obama. Vào tháng 5/2014, một người đàn ông ở Mississippi là James Everett Dutschke đã bị kết án 25 năm tù sau khi thừa nhận đã gửi thư có chất gây chết người cho Tổng thống Obama, cũng như một thượng nghị sỹ Mỹ và một thẩm phán tiểu bang.

Tháng 7/2014, một nam diễn viên người Texas đã bị kết án 18 năm tù vì gửi thư chứa ricin cho Tổng thống Obama và cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg.

Bình luận