Ngày này năm ấy: 59 năm ngày Mỹ rải chất độc da cam/dioxin xuống Việt Nam

(VOH) - Ngày 10/08/1961 là ngày đầu tiên Mỹ rải chất độc da cam/dioxin xuống Việt Nam.

Trong 10 năm (1961 -1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ phun rải với 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam.

chất độc da cam

Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: NYT

Chất độc màu da cam/dioxin là cụm từ chỉ các chất độc chứa dioxin, loại chất diệt cỏ được xếp vào nhóm độc tố nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ bởi khả năng gieo rắc cái chết mà còn cả những di chứng để lại cho nhiều đời sau. Cái tên chất độc da cam xuất phát từ các thùng có sơn màu da cam, dùng để vận chuyển loại chất diệt cỏ này.

chất độc da cam

Hai bé gái đang đi qua khu rừng đước bị chất độc da cam hủy hoại. Ảnh: VAVA

Đã có hơn 4 triệu người bị phơi nhiễm Dioxin, trong đó gần 3 triệu người bị nhiễm Dioxin ở Việt Nam. Thảm hoạ da cam với biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.

Chất độc da cam/dioxin (CĐDC) có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh. Tác động quan trọng trong gây đột biển gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản.

Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC là dị dạng, dị tật hoặc tâm thần phân liệt… nó đã làm cho nhiều cặp vợ chồng hữu sinh vô dưỡng không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có hàng triệu cặp vợ chồng sinh từ 2 - 6, 7 người con đều bị tật nguyền, vô thức hoặc chết dần, chết mòn.

Có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân, hiện có 3 con còn sống. Họ sinh và nuôi con mà ruột đau như cắt, nuôi con càng nhiều năm gia cảnh càng nghèo, con càng lớn càng đau khổ, nỗi khổ đeo đẳng cho cha, mẹ, ông bà và dòng họ trong suốt cuộc đời.

Những ông bố, bà mẹ thì mang trong người những căn bệnh ung thư, bệnh nan y khác đang gặm nhấm từng tế bào giằng xé nỗi đau và cuộc sống của họ. Đặc biệt là CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.

chất độc da cam

Nỗi đau da cam ám ảnh toàn bộ nhân loại. Ảnh LĐ.

Không chỉ có người dân Việt Nam, mà ngay cả những binh lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia... tham chiến cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam. Theo nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân - Không quân Mỹ ở Việt Nam giai đoạn 1968 - 1970, ít nhất 2,6 triệu lính Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam, Hàn Quốc có 100.000 trong tổng số 300.000 lính từng tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó 20.000 người đã chết. Nước Mỹ sau chiến tranh còn phải đối mặt với “Hội chứng da cam” đeo đẳng toàn xã hội.

chất độc da cam

Chất độc màu da cam. Ảnh: Word Press

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều vụ kiện lên tòa án Mỹ liên quan đến tác hại của chất độc màu da cam và hậu quả nó để lại sau chiến tranh Việt Nam. Song, Chính phủ Mỹ đã sử dụng điều luật miễn trừ trách nhiệm, cho phép chính phủ không thể bị kiện, ngay cả trong trường hợp cáo buộc sơ suất.

Do đó, các vụ kiện bắt đầu chuyển hướng cáo buộc các công ty hóa chất đã sản xuất và bán chất độc màu da cam cho quân đội Mỹ, phạm tội ác chiến tranh và đòi bồi thường. Tuy nhiên, các công ty chỉ chấp nhận bồi thường cho các cựu binh Mỹ.

Đối với những vụ kiện đòi quyền lợi cho người Việt Nam, các doanh nghiệp này đưa ra nhiều lý do để chối bỏ trách nhiệm, từ việc sự cố đã xảy ra quá lâu tới việc họ chỉ là nhà thầu phụ làm theo lệnh của Chính phủ Mỹ hay không có bằng chứng chắc chắn cho thấy ảnh hưởng của chất diệt cỏ với sức khỏe con người.

Trước sức ép của công luận và tiến triển tích cực của quan hệ Việt - Mỹ, phía Mỹ đã có những đóng góp bước đầu cho việc khắc phục nỗi đau da cam. Tính đến ngày 1/1/2016, Chính phủ Mỹ đã chuẩn chi 173 triệu USD tham gia khắc phục hậu quả ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam từ trung ương đến các địa phương và các tổ chức nhân quyền khẳng định sẽ tiếp tục vận động, đấu tranh để buộc Mỹ phải có trách nhiệm trước tội ác chống lại loài người đã gây ra trên mảnh đất này.

Ngày 25/06/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

Hoàn cảnh ra đời của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn và lâu dài đối với đất nước ta. Đặc biệt, tác hại của CĐDC đối với sức khỏe con người có thể còn kéo dài qua nhiều thế hệ.

Giải quyết hậu quả CĐDC, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vừa là vấn đề xã hội nhân đạo đối với đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng CĐDC, vừa là vấn đề chính trị và ngoại giao tế nhị.

Đáp ứng yêu cầu đó, năm 1980, Ủy ban 10-80 ra đời. Năm 1999, Ban Chỉ đạo 33 được thành lập. Trước đó, năm 1998, Quỹ Bảo trợ nạn nhân CĐDC thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi phải có một tổ chức đủ sức đảm đương những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã cho phép thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ngày 10/01/2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động, Hội được thành lập nhằm góp phần giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; một vấn đề có nghĩa rất lớn về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội và khoa học. Tên của Hội cũng đã nói lên điều đó, đây cũng là lời tố cáo cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm, trong đó có 10 năm Mỹ sử dụng chất độc hóa học với quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, để lại hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, cũng là lời thức tỉnh kêu gọi cộng đồng và bạn bè quốc tế cùng nhau khắc phục hậu quả, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Chủ tịch Hội đương nhiệm là Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên  Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bà Nguyễn Thị Bình nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam làm Chủ tịch danh dự.

Trải qua hơn 15 năm hoạt động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã có gần 500.000 hội viên, có 100% tổ chức hội ở cấp tỉnh, thành; có 88,61% hội ở cấp huyện, quân và hơn 61% hội ở xã, phường, thị trấn. Hệ thống tổ chức Hội hoạt động khá hiệu quả. Trong nhiệm kỳ III (2013 – 2018) vận động Quỹ đạt hơn 1.139 tỷ đồng, riêng dịp tết nguyên đán Kỷ Hợi toàn hội vận động được hơn 125 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.

VOH Online (tổng hợp)