Mỹ phê duyệt chuyển tiêm kích F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan cho Ukraine

VOH - Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết nước này đã chính thức đưa ra đảm bảo về việc phê duyệt cho Đan Mạch và Hà Lan chuyển máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Theo đó, Mỹ đã đưa ra bảo đảm về việc phê duyệt chuyển F-16, siêu tiêm kích hiện đại bậc nhất do Mỹ sản xuất, cho Ukraine ngay khi quá trình đào tạo phi công điều khiển loại tiêm kích này hoàn tất. 

Đan Mạch và Hà Lan, hai quốc gia dẫn đầu liên minh các nước sẽ đào tạo phi công lái F-16 cho Ukraine, gần đây đã yêu cầu Mỹ đưa ra đảm bảo về vấn đề trên. Theo quy định thì Mỹ phải phê duyệt việc chuyển các máy bay quân sự từ các nước đồng minh cho Ukraine. 

Liên minh gồm 11 quốc gia dự kiến sẽ bắt đầu quá trình đào tạo phi công Ukraine lái F-16 vào tháng này tại Đan Mạch. Một trung tâm khác phục vụ huấn luyện cũng đã được thành lập tại Romania. 

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Poulsen tháng trước cho biết nước này hy vọng sẽ thấy được "kết quả" đào tạo vào đầu năm 2024.

Ngoài đào tạo phi công, Đan Mạch và Hà Lan cũng là hai nước dẫn đầu các nỗ lực quốc tế trong việc hỗ trợ nhân sự, bảo dưỡng máy bay và thúc đẩy tiến trình sớm đưa F-16 về Ukraine để nước này sử dụng trong xung đột với Nga. 

Mỹ phê duyệt chuyển tiêm kích F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan cho Ukraine
Tiêm kích F-16 của Không quân Hà Lan tại một sự kiện phòng không của NATO ngày 4/7/2023 - Ảnh: Reuters

Xem thêm: Nga cảnh báo phương Tây “đùa với lửa” khi gửi F-16 cho Ukraine

Trước đó vào ngày 16/8, phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ignat phát biểu trên truyền hình thừa nhận nước này không thể tiếp nhận tiêm kích F-16 để triển khai chiến đấu kịp trong giai đoạn các tháng còn lại trong năm 2023.

"Rõ ràng chúng tôi sẽ không thể sử dụng tiêm kích F-16 để bảo vệ đất nước trong mùa thu và mùa đông năm nay. Chúng tôi từng đặt nhiều kỳ vọng vào loại máy bay này, mong muốn nó sẽ trở thành một phần trong hệ thống phòng không để đối phó với đòn tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga", Yuriy Ignat nói.

Theo hãng tin Reuters, các nước phương Tây khẳng định muốn hỗ trợ Ukraine chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, song cũng nhiều lần cho biết không muốn tạo ra thế trận đối đầu trực tiếp giữa NATO và Moscow. 

Một số quan chức Mỹ thừa nhận việc triển khai F-16 sẽ không giúp ích được nhiều cho Ukraine trong cuộc phản công với Nga và đây cũng không phải là "yếu tố làm thay đổi được thế cuộc" trước các hệ thống phòng không tối tân của Nga. 

Bình luận