Một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách châu Âu cho biết như vậy hôm 27/11, trong lúc cuộc chiến ở Gaza tiếp tục thu hút sự chú ý của Nhà Trắng.
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas cũng như căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, đã làm dấy lên lo ngại rằng, Washington không thể duy trì mức độ hỗ trợ quân sự và chính trị mà họ dành cho Ukraine từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2/2022.
Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu, ông James O'Brien cũng nói với các phóng viên rằng, Ngoại trưởng Blinken sẽ nêu bật cam kết liên tục của Hoa Kỳ và đồng minh, khi ông tham gia cuộc họp cấp Ngoại trưởng Hội đồng NATO-Ukraine tại Brussels.
Ông O'Brien chia sẻ: “Đây là một phần trong quá trình tìm kiếm một vị trí trong liên minh, mà chúng tôi luôn nói tương lai Ukraine phải đặt chân vào.”
Ông O'Brien cũng cho biết, chính quyền Biden tin tưởng rằng, việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine nhận được ủng hộ của lưỡng đảng tại Quốc hội, vốn đang xem xét yêu cầu tài trợ thêm về quốc phòng cho Ukraine, Israel và Đài Loan.
Khi được hỏi về thông tin tờ Bild của Đức đưa tin, Washington và Berlin đang âm thầm thúc giục Kiev đàm phán với Moscow, ông O'Brien đáp, Mỹ không có chính sách như vậy. Ông khẳng định, đây là vấn đề do Ukraine quyết định.
Tại cuộc họp báo ở Brussels hôm 27/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, ông mong đợi các bộ trưởng ngoại giao của liên minh sẽ tái khẳng định sự hỗ trợ lâu dài của NATO đối với Ukraine.
Các bộ trưởng sẽ gặp nhau vào ngày 28 và 29/11 tại thủ đô của Bỉ, trong bối cảnh một số thành viên NATO ngày càng thất vọng khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cản trở việc Thụy Điển gia nhập.
Các nguồn tin nói với Reuters vào tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo cho NATO rằng, quốc hội nước họ sẽ không hoàn tất phê chuẩn trước hội nghị thượng đỉnh lần này.
Ông O'Brien cho biết thêm, Hoa Kỳ mong sẽ sớm thấy một số hành động tích cực. Quan điểm của Mỹ và đồng minh, là Thổ Nhĩ Kỳ không có lý do gì để trì hoãn thêm nữa.
Ông Stoltenberg thì nhấn mạnh, ông tin tưởng cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary sẽ hoàn tất việc phê chuẩn càng sớm càng tốt. Ông nói: “Tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ làm cho NATO mạnh mẽ hơn, tất cả chúng ta an toàn hơn. Thời gian đã tới.”
Ông O'Brien cũng nói thêm, Ngoại trưởng Blinken hy vọng giải quyết căng thẳng gia tăng ở Tây Balkan, nơi NATO đang xem xét tăng cường hiện diện quân đội liên quan tới Kosovo. Washington ủng hộ lực lượng gìn giữ hòa bình mạnh mẽ do NATO chỉ huy trong khu vực. Kosovo duy trì được an ninh và yên bình, là chìa khóa để đạt được tiến bộ chính trị trên lộ trình hướng tới châu Âu của lãnh thổ này lẫn Serbia.