Chờ...

Mỹ tìm kiếm trợ giúp từ NATO để chiến đấu với IS

(VOH) – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói đang tìm kiếm trợ giúp từ đồng minh NATO để chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và củng cố các nỗ lực quốc phòng của Mỹ tại Trung Đông.

Trong một bài phỏng vấn khi đang bay đến Brussels để dự cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng nhóm NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói với phóng viên rằng ông muốn các quốc gia thuộc NATO hỗ trợ thêm nữa cho lực lượng của Mỹ tại Iraq.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Ảnh: AP

Esper đang tìm đường giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq, vì vậy sẽ rút một số quân về nước để tập trung vào các thách thức dài hạn hơn, trong đó có thách thức đến từ phía Trung Quốc.

Mỹ hiện có khoảng 5.000 quân tại Iraq, tiếp tục nỗ lực kéo dài nhiều năm để huấn luyện và tư vấn cho lực lượng an ninh Iraq để ngăn chặn sự hồi sinh của ISIS. Ngoài ra đang còn khoảng 12.000 quân tại Afghanistan sau hơn 18 năm Mỹ tham gia cuộc chiến chống lại Taliban.

NATO đang chỉ đạo nhiệm vụ huấn luyện tại Iraq, nhưng đội ngũ đó vẫn chưa đủ sức mạnh.

Esper sẽ bàn về Iraq, Afghanistan và các vấn đề quốc phòng quan trọng khác tại tổng hành dinh của NATO trong hai ngày 12 và 13/2 trước khi đến dự một hội nghị an ninh quốc tế tại Munich (Đức).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ngoài Iraq, ông muốn các quốc gia NATO đóng góp thêm nữa để bảo vệ an ninh khu vực vùng Vịnh, bao gồm cung cấp thêm các hệ thống phòng không tại Saudi Arabia, là nơi đã hứng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái hồi tháng 9/2019 mà Mỹ buộc tội là kế hoạch của Iran.

Mặc dù các đồng minh NATO từ lâu đã đóng góp cho các nỗ lực quân sự của Mỹ chống lại các tổ chức cực đoan ở Iraq, nhưng họ trở nên miễn cưỡng hơn khi bị lôi kéo vào chiến dịch của Mỹ để chống lại Iran. Hai vấn đề này sau cùng đã quy về một nơi là Iraq, là nơi mà Mỹ hồi tháng 1 đã cho ám sát tướng cấp cao của Iran là Qassem Suleimani. Sau đó là các vụ không kích vào khu vực quân đội Iran gần đó, đáp trả các vụ không kích vào quân đội Mỹ tại Iraq mà Mỹ cho là do Iran thực hiện.

Tại cuộc họp ở Brussels, Esper có thể sẽ phải đối mặt với các câu hỏi của châu Âu về chính quyền của Trump về ý định kiểm soát vũ khí hạt nhân. Một số đồng minh châu Âu đã bày tỏ sự hoài nghi về quyết định của Mỹ trong việc triển khai một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được trang bị một đầu đạn hạt nhân năng suất thấp. Tuần trước Lầu Năm Góc thừa nhận rằng lần đầu tiên họ đã triển khai vũ khí đó.

Các đồng minh NATO cũng đang tự hỏi liệu chính quyền Trump sẽ đáp lại lời đề nghị từ Nga cho việc gia hạn hiệp ước START mới liên quan đến số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga được nắm giữ. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.