Mỹ trừng phạt mạng lưới giúp vận chuyển và bán dầu mỏ của Iran

(VOH) - Ngày 6/7, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với mạng lưới bao gồm các cá nhân và công ty giúp vận chuyển và bán các sản phẩm hóa dầu và dầu mỏ của Iran.

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Brian E. Nelson cho biết mặc dù Mỹ hiện đang đàm phán với Iran nhằm đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân, nhưng nước này vẫn sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc bán các sản phẩm hóa dầu và dầu mỏ của Iran.

Các đối tượng có tên trong danh sách trừng phạt mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ bao gồm các công ty có trụ sở tại Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các công ty này bị cáo buộc giúp vận chuyển và bán hàng trăm triệu USD các sản phẩm hóa dầu và dầu mỏ của Iran đến các nước Đông Á.

Nền kinh tế Iran phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. (Ảnh: Reuters)
Nền kinh tế Iran phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. (Ảnh: Reuters)

Theo lệnh trừng phạt, Mỹ sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào tại Mỹ của các cá nhân và thực thể bị trừng phạt, đồng thời cấm công dân hoặc công ty Mỹ làm ăn với họ.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với 15 cá nhân và thực thể liên quan đến việc mua bán trái phép dầu và các sản phẩm hóa dầu của Iran. Các cá nhân và thực thể này có trụ sở tại Iran và Singapore...

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đã nỗ lực thông qua các biện pháp ngoại giao nhằm đạt được một thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân, nhưng Iran đã không thể hiện "sự chân thành tương tự", nên Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Phía Iran cho rằng việc Mỹ liên tục trừng phạt nước này là nguyên nhân khiến hai bên đến nay vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận.

Tháng 7/2015, Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Theo đó, Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của nước ngoài đối với nước này.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018 và tái áp đặt cũng như gia tăng các biện pháp trừng phạt của nước này đối với Iran. Đáp lại, Iran bắt đầu từ chối thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận trên kể từ tháng 5/2019, nhưng cho biết các biện pháp mà nước này thực hiện "có thể đảo ngược".

Kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, nước này đã bày tỏ thiện chí quay trở lại thỏa thuận JCPOA.

Từ tháng 4/2021, các bên liên quan bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán nhằm thảo luận vấn đề Mỹ và Iran quay trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận JCPOA. Tuy nhiên, do những bất đồng nghiêm trọng giữa Mỹ và Iran nên đến nay các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Bình luận