Mỹ - Trung Quốc tái đàm phán về vấn đề khí hậu

VOH - Mỹ và Trung Quốc là hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, có trách nhiệm đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ngày 16/7, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã đến Trung Quốc để tái khởi động các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa hai nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới.

Dự kiến, từ ngày 17-19/7, ông Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa sẽ tiến hành các cuộc đàm phán sâu rộng về vấn đề khí hậu.

Nội dung của các cuộc đàm phán: Giảm phát thải khí methane, giảm sử dụng than đá, giảm thiểu tình trạng phá rừng và hỗ trợ các nước nghèo đối phó với những thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Mỹ - Trung Quốc tái đàm phán về vấn đề khí hậu 1
Mỹ và Trung Quốc sẽ "đàm phán sâu rộng" về vấn đề khí hậu - Ảnh: AFP

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đặc phái viên về khí hậu Kerry sẽ tích cực phối hợp với các quan chức Trung Quốc để thúc đẩy thành công của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tháng 11 tới.

Đây là chuyến đi thứ ba của ông Kerry đến Trung Quốc với vai trò là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh nắng nóng gay gắt khiến nhiều nơi trên thế giới liên tục lập kỷ lục về nhiệt độ trong những tuần vừa qua.

Các cuộc đàm phán về khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị đình trệ vào năm ngoái do một số vấn đề trong quan hệ song phương.

Ngày 8/7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ và Trung Quốc cần duy trì hợp tác trong việc tài trợ chống biến đổi khí hậu nhằm giải quyết “mối đe dọa hiện hữu” của tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Bình luận