Mỹ ứng phó nắng nóng cực đoan như thế nào?

VOH - Kể từ đợt nắng nóng cực độ kéo dài vào năm 1995 khiến hàng trăm người thiệt mạng, Chicago và nhiều thành phố khác ở Mỹ đã thiết lập nhiều biện pháp ứng phó với kiểu thời tiết cực đoan này.

Tháng 7/1995, đợt nắng nóng kéo dài gần một tuần với sức nóng cảm nhận được lên tới ngưỡng 51 độ C đã bao trùm nhiều khu vực thu nhập thấp ở thành phố Chicago, bang Illinois của Mỹ, khiến 700 người nơi đây thiệt mạng, phần lớn là người cao tuổi. Lưới điện quá tải khiến tình trạng mất điện kéo dài càng làm tình hình thêm nghiêm trọng. 

Kể từ đó, Chicago đã phát triển các kế hoạch ứng phó khẩn cấp với nắng nóng, bao gồm hệ thống cảnh báo sớm đến người dân qua nhiều phương thức và hỗ trợ nhóm những người yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội.

Ngoài ra, các thành phố khác như Los Angeles, Miami và Phoenix bổ nhiệm "lãnh đạo nhiệt" phụ trách điều phối lập kế hoạch và ứng phó với nắng nóng nguy hiểm.

Công tác chuẩn bị đối phó với sóng nhiệt tại các thành phố ở Mỹ nhìn chung đã cải thiện khi dự báo trở nên chính xác hơn, và khi các nguồn lực trong xã hội gồm các nhà khí tượng học, nhà báo và quan chức chính phủ tập trung vào công tác truyền thông, cảnh báo về mối nguy hiểm do nắng nóng.

Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có đặc điểm tự nhiên và xã hội khác nhau nên đòi hỏi các biện pháp ứng phó cần linh hoạt và phù hợp với đặc trưng của từng bang

Mỹ ứng phó nắng nóng cực đoan như thế nào?
Nhân viên y tế di chuyển thi thể người thiệt mạng vì nắng nóng trên đường phố Chicago, Mỹ năm 1995. Đợt nắng nóng cực đoan từ ngày 12/7/1995 đã cướp đi sinh mạng của 700 người tại Chicago - Ảnh: Reuters

Nhà khoa học sức khỏe môi trường Inkyu Han tại Đại học Temple ở Philadelphia đề cập rằng nhiều thành phố vẫn đang gặp khó khăn trong công tác hỗ trợ như xây dựng trung tâm điều hòa nhiệt và trợ giá đối với mặt hàng máy lạnh khí tại các khu dân cư nghèo.

Ngoài ra, chuyên gia Inkyu Han đề xuất nhiều giải pháp đơn giản và bền vững như cải thiện không gian xanh. “Đáng chú ý là các khu dân cư có thu nhập thấp và cộng đồng da màu ở Philadelphia thường thiếu cây xanh và không gian xanh trên đường phố", ông Han nói. 

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những bước đi đó có thể là chưa đủ trong một thế giới đang chứng kiến kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ và tồn tại bất bình đẳng với những người dễ bị tổn thương nhất.

Mỹ ứng phó nắng nóng cực đoan như thế nào?
Mùa hè năm 2003 là đợt nóng kỷ lục ở châu Âu kể từ năm 1540. Nắng nóng trên diện rộng cướp sinh mạng của 70.000 người, nhiều nhất là ở Pháp (gần 15.000 người) - Ảnh: AP

Trên khắp thế giới, các thành phố và quốc gia đã áp dụng những biện pháp đối phó với nắng nóng. Pháp đã triển khai hệ thống cảnh báo theo dõi nhiệt độ và tránh mất nước sau đợt nắng nóng kéo dài vào năm 2003 ước tính khiến gần 15.000 người tử vong - nhiều trong số họ là người lớn tuổi sống trong các căn hộ và nhà ở thành phố không có điều hòa nhiệt độ.

Tại Đức, trong tháng 6 nước này đã phát động một chiến dịch mới chống lại tử vong do nắng nóng và cho biết lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của Pháp.

Bình luận