Phát biểu trong chuyến công du vùng Vịnh, ông Trump cho biết: “Chúng tôi đang tham gia các cuộc đàm phán rất nghiêm túc với Iran để hướng tới hòa bình lâu dài. Iran đã phần nào đồng ý với các điều khoản trong thỏa thuận.”
Trước đó, cuộc đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và Iran đã kết thúc tại Oman ngày 11/5.
Dù chưa có kết quả cuối cùng, cả hai bên đều cam kết tiếp tục đàm phán nhằm thu hẹp khác biệt, đặc biệt là về chương trình làm giàu urani gây tranh cãi của Tehran.
Tổng thống Trump nhấn mạnh ông sẵn sàng tiến tới một thỏa thuận nếu Iran từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.
“Chúng tôi không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân,” ông tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 14/5.
Phía Iran, trong phát biểu mới nhất, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính trị Majid Takht-Ravanchi xác nhận nước này sẵn sàng xem xét một số giới hạn tạm thời về mức độ làm giàu urani như một phần của các biện pháp xây dựng lòng tin.
Tuy nhiên, ông bác bỏ thông tin cho rằng Tehran đã chấp nhận các giới hạn kéo dài tới 25 năm.
“Iran chưa thống nhất bất kỳ điều khoản cụ thể nào về thời hạn hay mức độ làm giàu,” ông Takht-Ravanchi khẳng định, đồng thời nhấn mạnh mọi hoạt động hạt nhân của Iran đều mang tính chất hòa bình.
Dù các cuộc đàm phán đang tiến triển, Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng áp lực với Iran.
Ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt mới nhắm vào ba quan chức cấp cao trong chương trình hạt nhân Iran và một công ty bị cáo buộc liên quan đến Tổ chức Đổi mới và Nghiên cứu Quốc phòng (SPND).
Washington cáo buộc công ty Fuya Pars Prospective Technologists cố gắng mua sắm thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân. Các cá nhân và thực thể bị trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản tại Mỹ và bị cấm giao dịch thương mại.
Việc công bố lệnh trừng phạt diễn ra chỉ một ngày sau vòng đàm phán thứ tư tại Oman, cho thấy Mỹ vẫn đang theo đuổi chiến lược “vừa đàm phán, vừa gây sức ép.”
Hiện chưa rõ thời điểm kết thúc đàm phán, nhưng cả hai bên đều khẳng định cam kết giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao, tránh nguy cơ đối đầu quân sự trong khu vực vốn đang đầy bất ổn.