Động thái này nhằm củng cố khả năng phòng thủ của Kiev trong cuộc xung đột kéo dài với Nga.
Gói viện trợ bao gồm nhiều loại khí tài như tên lửa Stinger, đạn dược cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), máy bay không người lái và mìn chống bộ binh. Đây được xem là bước đi quan trọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden khi sắp mãn nhiệm vào tháng 1-2025.

Khoảng 4-5 tỷ USD từ PDA đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt cho Ukraina, dự kiến sẽ được giải ngân trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức ngày 20-1-2025. Ông Trump từng chỉ trích quy mô viện trợ của chính quyền Biden và có thể thay đổi chiến lược đối với Ukraina.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ Mỹ xuất khẩu mìn chống bộ binh – một loại vũ khí gây tranh cãi do tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho dân thường. Dù hơn 160 quốc gia đã ký hiệp ước cấm sử dụng loại vũ khí này, Ukraina đã kêu gọi viện trợ kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022.
Mìn chống bộ binh mà Mỹ cung cấp được thiết kế để giảm thiểu nguy cơ lâu dài với cơ chế tự hủy sau thời gian ngắn, khiến chúng trở nên vô hại sau khi hết thời gian hoạt động.