Chờ...

Myanmar nhập khẩu vũ khí trị giá 1 tỷ đô la kể từ khi xung đột

VOH - Chính quyền quân sự của Myanmar đã nhập khẩu ít nhất 1 tỷ đô la vũ khí và thiết bị quân sự kể từ cuộc đảo chính vào đầu năm 2021, theo một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc – CNN đưa tin.

Tom Andrews, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar đã công bố một báo cáo mới nêu chi tiết việc chuyển vũ khí, nguyên liệu thô và xác định “254 nhà cung cấp duy nhất” cho quân đội Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính.

Andrews nói, kể từ cuộc đảo chính, quân đội Myanmar đã nhập khẩu vũ khí trị giá ít nhất 1 tỷ đô la và hàng hóa để hỗ trợ sản xuất vũ khí trong nước. Trong 94% các giao dịch, quân đội Myanmar được liệt kê là bên nhận cuối cùng.

Báo cáo sử dụng dữ liệu thương mại và dài hơn 50 trang liệt kê doanh thu của các nhà cung cấp vũ khí cho Myanmar từ Nga, Trung Quốc, Singapore.

myanmar
Các binh sĩ đứng cạnh xe quân sự khi người dân tụ tập để phản đối cuộc đảo chính quân sự, ở Yangon, Myanmar, vào năm 2021. - Ảnh: Reuters

Xem thêm: Quân đội Myanmar đụng độ phiến quân, hàng ngàn người tháo chạy sang Thái Lan

Đáp lại yêu cầu bình luận từ CNN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc báo cáo viên đã “vượt quá quyền hạn của mình để bôi nhọ thương mại quân sự bình thường của các quốc gia có chủ quyền, bóp méo sự thật và gây nhầm lẫn cho công chúng”.

Báo cáo viên Andrews cho biết: “Những nhà cung cấp những vũ khí này có thể tránh bị trừng phạt bằng cách sử dụng các công ty bình phong và tạo ra những công ty mới khi trông chờ vào việc thực thi lỏng lẻo". Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng cung cấp thêm vũ khí cho quân đội Myanmar.

Tướng quân đội Min Aung Hlaing lên nắm quyền vào tháng 2/2021, chấm dứt khoảng thời gian dân chủ ngắn ngủi của Myanmar bằng cách bỏ tù cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi và đẩy quốc gia Đông Nam Á vào một cuộc xung đột dân sự dữ dội kéo dài cho đến hiện nay.

Các trận chiến giữa quân đội và các nhóm kháng chiến diễn ra hàng ngày trên khắp đất nước.

Theo nhóm quan sát, các cuộc không kích và tấn công trên bộ vào các mục tiêu mà quân đội gọi là “khủng bố” diễn ra thường xuyên, giết chết hàng nghìn thường dân, thường bao gồm cả trẻ em.

Nhiều ngôi làng đã bị đốt cháy bởi chính quyền quân sự; trường học, phòng khám và bệnh viện bị phá hủy do hậu quả của các cuộc tấn công.