Nắng nóng sẽ khiến toàn bộ khu vực trên Trái đất trở nên không thể sinh sống

(VOH) - Trong một báo cáo về nắng nóng khắc nghiệt hôm 10/10, Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ đã cảnh báo "các đợt nắng nóng có thể đạt và vượt quá các giới hạn" trong những thập kỷ tới.

Liên Hợp Quốc (LHQ) và Hội Chữ thập đỏ vừa lên tiếng cảnh báo rằng tất cả các khu vực trên toàn cầu sẽ trở nên không thể sinh sống được trong những thập kỷ tới do các đợt nắng nóng thường xuyên và gay gắt hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Còn chưa đầy một tháng là đến Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ lần thứ 27 (COP27), dự kiến ​​diễn ra vào tháng 11 tại Ai Cập, LHQ và Liên đoàn Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi trong một báo cáo chung để chuẩn bị cho các đợt nắng nóng sắp tới nhằm tránh một số lượng lớn trường hợp tử vong.

Các tổ chức này chỉ ra rằng có những giới hạn mà con người sẽ không thể tồn tại nếu bị vượt quá khi tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt và cũng có những giới hạn mà xã hội không thể thích ứng được.

Nắng nóng sẽ khiến toàn bộ khu vực trên Trái đất trở nên không thể sinh sống 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

"Theo quỹ đạo hiện tại, các đợt nắng nóng có thể đạt và vượt quá các giới hạn về thể chất và xã hội này trong những thập kỷ tới, đặc biệt là ở các khu vực như Sahel, Nam Á và Tây Nam Á", báo cáo viết.

Tình hình như vậy sẽ dẫn đến "nhiều đau khổ và thiệt hại về nhân mạng trên quy mô lớn, tình trạng di dân và sự bất bình đẳng cũng ngày càng trầm trọng", hai tổ chức trên cảnh báo.

Theo báo cáo, hầu hết mọi nơi mà các số liệu thống kê công bố đáng tin cậy, nắng nóng là nguy cơ thời tiết gây nguy hiểm chết người nhất.

Martin Griffiths - người đứng đầu cơ quan nhân đạo của LHQ và Jagan Chapagain - Tổng thư ký IFRC cho biết, hiện tượng thời tiết này đã khiến hàng nghìn người tử vong mỗi năm và sẽ ngày càng nhiều hơn khi biến đổi khí hậu gia tăng.

Các đợt nắng nóng chính là nguyên nhân đứng sau của một số thảm họa chết người nhất được ghi nhận. Báo cáo nhắc lại thiệt hại nặng nề của đợt nắng nóng năm 2003 ở châu Âu khiến hơn 70.000 người thiệt mạng và đợt nắng nóng ở Nga năm 2010 đã giết chết hơn 55.000 người.

Theo báo cáo, các chuyên gia dự đoán tỉ lệ tử vong do nắng nóng khắc nghiệt rất cao, "có thể tương đương về tỉ lệ so với tất cả các bệnh ung thư vào cuối thế kỷ này".

Trong năm nay, các khu vực hoặc toàn bộ các quốc gia Bắc Phi, Úc, Châu Âu, Nam Á và Trung Đông đã bị ngạt thở bởi nhiệt độ kỷ lục, ngoài ra còn có Trung Quốc và miền Tây nước Mỹ.

Báo cáo cũng nhắc lại rằng nắng nóng khắc nghiệt là "kẻ giết người thầm lặng" mà ảnh hưởng của nó sẽ khuếch đại, đặt ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển bền vững đồng thời tạo ra các nhu cầu nhân đạo mới.

"Hệ thống nhân đạo không có phương tiện để tự giải quyết một cuộc khủng hoảng tầm cỡ này. Chúng tôi đã thiếu kinh phí và nguồn lực để ứng phó với một số cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất đang diễn ra trong năm nay", Martin Griffiths nhấn mạnh trong một buổi họp báo.

Các tổ chức kêu gọi khẩn trương đầu tư đáng kể và bền vững để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hỗ trợ thích ứng lâu dài các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.

Theo một nghiên cứu được trích dẫn bởi báo cáo, số lượng người nghèo sống trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt ở các khu vực thành thị sẽ tăng 700% vào năm 2050. Mức tăng cao nhất dự kiến ​​sẽ xảy ra ở Tây Phi và Đông Nam Á.

"Khủng hoảng khí hậu đang làm gia tăng các trường hợp khẩn cấp nhân đạo trên toàn thế giới. Để tránh những tác động tàn khốc nhất của nó, chúng ta cần đầu tư cân bằng cho cả việc thích ứng và giảm nhẹ, đặc biệt là ở những quốc gia có nhiều rủi ro nhất", ông Jagan Chapagain nói.

LHQ và Hội Chữ thập đỏ cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng không kém là nhận thức được các giới hạn của việc thích ứng với nhiệt độ khắc nghiệt.

Một số biện pháp đã được thực hiện như tăng cường điều hòa không khí, tuy nhiên việc này tiêu thụ nhiều năng lượng, tốn kém, không bền vững về mặt môi trường và cũng góp phần vào biến đổi khí hậu.

Theo cảnh báo của hai tổ chức, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây ra biến đổi khí hậu không được giảm một cách "mạnh mẽ", thế giới sẽ phải đối mặt với "mức nhiệt khắc nghiệt đến mức không thể tưởng tượng được".

Bình luận