Các nhà ngoại giao cho biết, đề xuất của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ mang lại cho liên minh phương Tây vai trò trực tiếp hơn trong việc điều phối việc cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.
Các kế hoạch này sẽ được thảo luận trong cuộc họp kéo dài hai ngày tại Brussels nhằm kỷ niệm 75 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo liên minh tại Washington vào tháng 7.
Cuộc họp sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về việc các đồng minh châu Âu của Ukraine sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực chiến đấu của Kiev đến đâu khi gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá khoảng 60 tỷ USD vẫn bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ.
Theo kế hoạch, NATO sẽ đảm nhận một số công việc phối hợp từ liên minh đặc biệt do Mỹ dẫn đầu được gọi là nhóm Ramstein - một động thái được thiết kế để đề phòng bất kỳ sự cắt giảm hỗ trợ nào của Mỹ nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, các nhà ngoại giao cho biết.
Cho đến nay, NATO với tư cách là một tổ chức đã tập trung vào viện trợ phi sát thương cho Ukraine vì lo ngại rằng, vai trò trực tiếp hơn có thể gây ra căng thẳng leo thang với Nga. Các thành viên của tổ chức này đã cung cấp hàng tỷ USD vũ khí trên cơ sở song phương.
Các nhà ngoại giao cho biết, ngày càng có quan điểm trong NATO rằng, đã đến lúc phải đưa viện trợ quân sự cho Ukraine trên một nền tảng bền vững hơn và NATO là nơi tốt nhất để làm điều đó.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người sẽ tham dự cuộc họp ở Brussels cho biết tại Paris hôm 2/4 rằng, NATO đang xem xét các biện pháp có thể đóng vai trò là "cầu nối cần thiết" để Ukraine trở thành thành viên liên minh.