Nên nhìn nhận thế nào về việc Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan?

(VOH) - Quyết định rút quân của Mỹ và NATO rõ ràng đã được cân nhắc kỹ lưỡng và lên kế hoạch một cách chu đáo.

Chấm dứt cuộc chiến kéo dài 20 năm với nhiều tổn thất

Ngày 1/5 là thời điểm mà các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây Dương (NATO) bắt đầu rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan theo kế hoạch đã được công bố tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của khối liên minh quân sự này vào ngày 14/4, với thời gian rút quân dự kiến kéo dài trong vòng vài tháng.

Cũng trong ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố sẽ rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanistan vào trước ngày 11/9 nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 20 năm.

Nên nhìn nhận thế nào về việc Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan? 1
Binh lính NATO tại Afghanistan. Ảnh: The Times

Quyết định rút quân của Mỹ và NATO rõ ràng đã được cân nhắc kỹ lưỡng và lên kế hoạch một cách chu đáo. Sự chênh lệch về thời gian hoàn tất việc rút quân của lực lượng NATO và quân đội Mỹ là nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong việc đối phó với những tình huống bất trắc xảy ra trong qua trình rút quân.

Sau vụ tấn công khủng bố tại Mỹ vào ngày 11/9/2001, trong vòng chưa đầy một tháng, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George W. Bush đã phát động cuộc chiến tại Afghanistan dưới danh nghĩa truy lùng thủ lĩnh của tổ chức khủng bố al-Qaeda: Osama bin Laden.

Ngày 13/11 năm đó, Taliban đã rời khỏi thủ đô Kabul của Afghanistan. Ngày 8/12, quân đội Mỹ và đồng minh của Afghanistan là Liên minh phương Bắc đã giành được chiến thắng quyết định khi chính quyền Taliban rút khỏi Kandahar, thành phố lớn thứ hai của Afghanistan.

Vào ngày 20/12, dưới danh nghĩa hỗ trợ chính phủ lâm thời Afghanistan tái thiết đất nước sau chiến tranh, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết cử một lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế gồm binh sĩ các nước đồng minh NATO tới Afghanistan. Đây chính là nguyên nhân binh lính Mỹ và NATO có mặt tại Afghanistan.

Tuy nhiên, cuộc chiến giữa quân đội Mỹ và NATO với Taliban nhanh chóng biến thành trò chơi giữa "chuột và mèo". Đến nay, con số lính Mỹ thương vong tại Afghanistan ngày càng gia tăng theo thời gian và Mỹ đã bắt đầu nhận ra rằng đây là cuộc chiến không có hồi kết.

Nên nhìn nhận thế nào về việc Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan? 2
Binh lính Mỹ tại Afghnistan. Ảnh: Reuters

Khi chính quyền Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền tại Mỹ vào năm 2009, họ bắt đầu xem xét đến việc làm thế nào để thoát khỏi cuộc chiến tại Afghanistan.

Tháng 6/2011, ông Obama tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan theo 3 giai đoạn: rút 10.000 lính Mỹ khỏi Afghanistan vào trước cuối năm 2011, rút thêm 33.000 quân vào năm 2012 và rút hết toàn bộ binh lính Mỹ và NATO vào năm 2014 và bàn giao lại việc bảo vệ an ninh cho quân đội chính phủ Afghanistan.

Nhưng lộ trình rút quân của ông Obama trông có vẻ như một trò chơi "ném thia lia". Năm 2017, khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban.

Sau nhiều lần "mặc cả", vào tháng 2/2020, chính quyền Tổng thống Trump và Taliban đã đạt được thỏa thuận tại thủ đô Doha của Qatar. Theo đó, Mỹ cam kết sẽ giảm số lượng binh lính nước này và các lượng NATO tại Afghanistan từ 13.000 lính xuống còn 8.600 lính trong vòng 135 ngày, và số binh lính còn lại sẽ rời khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng.

Hiện có khoảng 10.000 lính Mỹ và NATO đồn trú tại Afghanistan, trong đó lính Mỹ chiếm khoảng 3.500 người (gồm 2.500 lính thông thường, 1.000 lính đặc nhiệm), khoảng 7.000 lính còn lại là binh sĩ của các nước thành viên khác trong khối NATO.

Việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan luôn gặp nhiều trắc trở, chứng tỏ tình hình tại Afghanistan rất phức tạp và Mỹ phải rất chật vật để đối phó với tình hình phức tạp tại đây.

Chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ

Nhìn chung, việc rút các lực lượng của Mỹ và NATO khỏi Afghanistan là một phần trong nỗ chung nhằm chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ từ chống khủng bố trở về lại với cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn và chuyển sự hiện diện quân sự từ Trung Đông sang châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 15/4, tức một ngày sau khi NATO và Tổng thống Biden tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra những giải thích về quyết định của Mỹ tại trụ sở của NATO ở Brussels. Ông nói, việc rút quân khỏi Afghanistan sẽ giúp quân đội Mỹ và các đồng minh NATO có thể "tập trung sức lực vào việc đối phó với các mối đe dọa khác nguy hiểm hơn, đặc biệt là Trung Quốc và Nga".

Sau khi Mỹ và NATO tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, ông Austin nói Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt tài chính cho các lực lượng an ninh Afghanistan và tiến trình hòa bình tại nước này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Afghanistan xây dựng một nền hòa bình lâu dài tại nước này.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bày tỏ tôn trọng quyết định của Mỹ và sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và NATO trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình tại nước này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy triển vọng hòa bình ở Afghanistan không mấy lạc quan.

Ngày 21/3, ông Austin bất ngờ tới thăm thủ đô Kabul của Afghanistan để thảo luận với các quan chức chính phủ nước này về việc rút quân. Ông cho biết thời gian rút quân của Mỹ có thể sẽ muộn hơn khoảng nửa năm so với kế hoạch ban đầu.

Nguy cơ chiến tranh vẫn hiện hữu?

Phản ứng trước phát biểu này của ông Austin, ngày 22/3, các phần tử vũ trang Taliban đã đánh chiếm khu vực Charkh ở tỉnh Logar, cách thủ đô Kabul 90 km về phía đông, và tuyên bố họ sẽ nối lại hoàn toàn các cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng Mỹ và NATO.

Vào ngày tuyên bố rút quân, Tổng thống Biden cho biết cuộc chiến tại Afghanistan đã khiến 2.500 lính Mỹ thiệt mạng, hơn 20.000 lính bị thương và tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ USD.

Ông Biden một mặt khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan, mặt khác, ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban.

Có một sự thật hiển nhiên là chính phủ Afghanistan hiện tại là do quân đội Mỹ một tay "nâng đỡ", và dưới sự hỗ trợ đắc lực của quân đội Mỹ và các lực lượng NATO, chính phủ Afghanistan cũng chỉ duy trì được thế cân bằng mong manh với Taliban.

Sau khi các lực lượng của Mỹ và NATO rút đi, điều đó đồng nghĩa với việc bên đĩa cân của chính phủ Afghanistan bị lấy đi một quả cân nặng ký. Trước tình hình mới và cán cân quyền lực như thế, nếu không thuyết phục được Taliban tiếp tục tiến trình hòa bình, rất có thể chiến tranh sẽ lại tái bùng phát tại quốc gia Nam Á này.