Tất cả 19 đối tượng bị bắt giữ được cho là thành viên của nhóm Hồi giáo cực đoan Takfir wal-Hijra. Nhóm này có phạm vi hoạt động rộng lớn bao gồm các vùng Rostov, Krasnodar, Karachay-Cherkessia và cả bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ tách ra khỏi Ukraine vào năm 2014 được Nga hậu thuẫn.
Thông báo của FSB cho biết cơ quan này “đã ngăn chặn hoạt động của một tổ chức cực đoan liên khu vực thuộc tổ chức Hồi giáo quốc tế At Takfir walh-Hidjar bị cấm ở Nga. Các phần tử này truyền bá tư tưởng cực đoan, tuyển mộ các thành viên mới và lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công khủng bố tại Bắc Caucasus.”
Theo đó, trong quá trình điều tra và khám xét, FSB đã thu giữ được nhiều công cụ phục vụ cho việc tấn công gồm một đai thuốc nổ dùng trong đánh bom liều chết, bom tự chế và một số thiết bị dùng để kích nổ tự động.
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA công bố đoạn băng cho thấy các đặc vụ của FSB đã bao vây một tòa nhà chung cư và đột kích từ phía cửa sổ để bắt các nghi phạm. Những đối tượng bị bắt giữ bị buộc tội “tổ chức và tham gia vào các hoạt động cực đoan”.
Nước Nga thường xuyên là mục tiêu tấn công của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Năm 2017, một vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại một toa tàu điện ngầm ở St.Petersburg khiến 14 người thiệt mạng.
Ngoài ra, trong vài năm gần đây, nhiều khu vực ở Bắc Caucasus cũng ghi nhận các cuộc tấn công của phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm vào các quan chức thuộc lực lượng an ninh tại địa phương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng phát biểu thừa nhận một thực tế rằng, những mối đe dọa về an ninh ngày càng gia tăng mà nước Nga đang phải đối mặt chính là kết quả của việc Nga đã can dự vào cuộc chiến ở Syria.
Theo đó, bắt đầu từ cuối năm 2015, Nga đã phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria theo yêu cầu chính thức của chính quyền Damascus. Chiến dịch chống khủng bố của Nga đã phát huy tính hiệu quả và góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các lực lượng của chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát một phần lãnh thổ bị các phần tử khủng bố chiếm đóng. Đây cũng là một lý do khiến cho ông Putin đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ tính đúng đắn của quyết định can thiệp quân sự vào Syria, đồng thời xem đây là một biện pháp ngăn chặn sự hồi hương của hàng trăm công dân Nga đã gia nhập lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria trong những năm qua.
Bên cạnh đó, ông Putin khẳng định rõ cam kết tiếp tục theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố bên ngoài phạm vi lãnh thổ Nga và xem đây một là ưu tiên hàng đầu. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Moscow sẵn sàng phối hợp hành động cùng các nước khác trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa toàn cầu này.