Nga cảnh báo lập vùng đệm bao trùm gần toàn bộ Ukraine

VOH - Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, còn dòng viện trợ vũ khí từ phương Tây vẫn tiếp tục đổ vào Ukraine.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev vừa tuyên bố Nga có thể thiết lập một vùng đệm an ninh bao phủ gần như toàn bộ lãnh thổ Ukraine nếu phương Tây không ngừng viện trợ quân sự cho Kiev. 

Trên kênh Telegram cá nhân, ông Medvedev đăng tải một video đồ họa minh họa cho "vùng đệm tiềm năng" của Nga, theo đó phần lớn lãnh thổ Ukraine – trừ một dải đất hẹp sát biên giới Ba Lan và Slovakia – sẽ nằm trong phạm vi kiểm soát của Nga nếu kế hoạch được thực thi. Ông nhấn mạnh: “Nếu viện trợ quân sự cho chế độ Kiev tiếp tục, vùng đệm có thể trông như thế này.”

Dmidry
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev - Ảnh: AFP

Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc họp với chính phủ Nga hôm 22-5, công khai xác nhận kế hoạch thiết lập một vùng đệm an ninh dọc biên giới với Ukraine nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Điện Kremlin cáo buộc phương Tây – đặc biệt là Mỹ và NATO – đang làm leo thang xung đột bằng cách tăng cường viện trợ vũ khí, đạn dược và hỗ trợ huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang Ukraine. Phía Nga cho rằng điều này không chỉ làm suy yếu triển vọng hòa đàm mà còn khiến các quốc gia NATO trở thành “bên tham chiến” trên thực tế.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đưa ra cảnh báo cứng rắn: “Mọi hàng hóa chứa vũ khí gửi tới Ukraine đều là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.” Ông Lavrov khẳng định Mỹ và NATO hiện đang tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, không chỉ thông qua viện trợ khí tài mà còn thông qua hoạt động huấn luyện binh sĩ Ukraine tại Anh, Đức, Italy và các quốc gia thành viên khác.

Tuyên bố của giới chức Nga làm dấy lên lo ngại về khả năng Moscow mở rộng quy mô chiến dịch quân sự nếu cảm thấy bị khiêu khích quá mức. Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định việc Nga sử dụng khái niệm "vùng đệm an ninh" có thể là một phần trong chiến lược pháp lý hóa sự hiện diện quân sự sâu hơn trong lãnh thổ Ukraine, hoặc chuẩn bị dư luận cho những đợt tấn công mới.

Trong khi đó, các quốc gia phương Tây vẫn giữ vững cam kết hỗ trợ Ukraine, xem đây là biện pháp ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Nga tại châu Âu. Tuy nhiên, nội bộ NATO và EU đang có những bất đồng về mức độ hỗ trợ, nhất là khi chiến sự kéo dài gây sức ép lớn lên ngân sách và chính trị nội bộ của nhiều nước.

Tình hình tại Ukraine tiếp tục là tâm điểm căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Những diễn biến mới từ phía Nga cho thấy xung đột không chỉ dừng lại ở chiến trường mà còn đang mở rộng sang mặt trận chính trị và chiến lược dài hạn. Cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao động thái của cả hai bên, trong khi triển vọng cho một giải pháp hòa bình vẫn chưa rõ ràng.

Bình luận