Ngày 2/5, Cố vấn Truyền thông An ninh Quốc gia John Kirby đưa ra thông tin này khi Washington hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác để đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với những bên hỗ trợ chuyển giao vũ khí và dầu mỏ tinh chế giữa Triều Tiên và Nga.
Thông tin được ông Kirby đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng, chế độ trừng phạt chống lại Triều Tiên có thể bị xói mòn do hội đồng chuyên gia Liên Hợp Quốc giám sát biện pháp trừng phạt đã hết hạn trong tuần này.
Ông Kirby cho biết: “Chỉ riêng trong tháng 3, Nga đã vận chuyển hơn 165.000 thùng dầu mỏ tinh chế (tới miền Bắc). Với vị trí gần các cảng thương mại của Nga và Triều Tiên, Nga có thể duy trì các chuyến hàng này vô thời hạn".
Theo lệnh trừng phạt của UNSC, Triều Tiên bị cấm nhập khẩu hơn 500.000 thùng sản phẩm dầu mỏ tinh chế mỗi năm.
Ông Kirby nhấn mạnh rằng, Washington sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm phá vỡ hoạt động buôn bán vũ khí và dầu mỏ giữa Triều Tiên và Nga.
Ông nói: “Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tất cả những quốc gia hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vũ khí và dầu mỏ tinh chế giữa Nga và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.
Bình luận về vấn đề này, ông Matthew Miller, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ hiện đang làm việc với các đối tác Hàn Quốc, Anh, Australia, Liên minh châu Âu, New Zealand và Nhật Bản, để công bố các lệnh trừng phạt phối hợp mới trong tháng này.
Tiết lộ về các lô hàng của Nga được đưa ra khi nhiệm vụ của hội đồng chuyên gia kết thúc hôm 30/4, sau khi Nga phủ quyết vào cuối tháng 3 về một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - vốn sẽ gia hạn nhiệm vụ theo quy định gia hạn hàng năm.
Ông Kirby gọi quyền phủ quyết của Moscow là một động thái "có tính toán" nhằm che giấu hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Theo Yonhap, thông qua các báo cáo định kỳ, hội đồng chuyên gia đã vạch trần nhiều trường hợp vi phạm chế tài.
Báo cáo mới nhất trong năm nay đề cập đến hoạt động buôn bán vũ khí giữa Moscow và Bình Nhưỡng, điều mà Seoul, Washington và các nước khác chỉ trích là vi phạm nhiều lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an.
Khi nhiệm vụ của hội đồng chuyên gia hết hạn, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đang tìm kiếm các biện pháp thay thế để giúp đảm bảo tuân thủ các biện pháp trừng phạt.