Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh điều hết sức quan trọng lúc này là các nước cần kiềm chế để ngăn chặn nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông rơi vào tình trạng xung đột toàn diện, nhất là sau khi cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Nga cũng khuyến cáo công dân nước này hạn chế đến Trung Đông, đặc biệt là đến Israel, Liban và các vùng lãnh thổ của Palestine.
Các nước trong khu vực đang trong tình trạng cảnh giác cao và chuẩn bị cho khả năng Iran có hành động tấn công đáp trả sau khi cho rằng Israel không kích tòa nhà lãnh sự ngày 1/4 vừa qua khiến 2 sĩ quan cấp tướng, 5 cố vấn quân sự của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng và ít nhất 12 người bị thương.
Đáp lại, Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz phủ nhận nước này thực hiện vụ tấn công, khẳng định Tel Aviv sẽ đáp trả nếu Iran tấn công Israel.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng gọi cho người đồng cấp Iran để bàn về "căng thẳng ở Trung Đông". "Việc tránh leo thang hơn nữa trong khu vực phải là lợi ích của mọi người. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên trong khu vực hành động có trách nhiệm và kiềm chế tối đa", Bộ Ngoại giao Đức viết trên mạng xã hội X (Twitter).
Ngày 11/4, hãng hàng không Lufthansa của Đức cho biết hãng này kéo dài thời gian đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Tehran của Iran có thể cho đến ngày 13/4, viện dẫn tình hình hiện nay ở Trung Đông.
Ngày 10/4, trên mạng xã hội X, hãng thông tấn bán chính thức Mehr của Iran đã đăng tải thông tin bằng tiếng Arab rằng không phận Tehran được đóng cửa để tập trận quân sự. Sau đó Mehr đã gỡ bỏ thông tin này và phủ nhận việc đã đăng tải nội dung như vậy.