Nga-Triều tăng cường quan hệ, vì lợi ích chiến lược của cả 2?

VOH - Ông Alexander Matsegora, đại sứ Nga tại Triều Tiên vừa chia sẻ với truyền thông rằng, 2024 sẽ là năm đột phá trong quan hệ đối tác giữa hai nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lên kế hoạch tới thăm Bình Nhưỡng trong những tháng tới, để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, và đáp lại chuyến thăm của ông Kim vào tháng 9/2203 tới vùng Viễn Đông của Nga. Nếu chuyến đi diễn ra, sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới Bình Nhưỡng kể từ năm 2000, khi ông gặp lãnh tụ Kim Jong Il, cha của lãnh đạo Triều Tiên hiện tại.

xxx
Tổng thống Nga (phải) và Chủ tịch Triều Tiên tại 1 hội nghị thượng đỉnh - Ảnh: CNN

Tháng trước, Bộ Văn hóa Nga đã cử một phái đoàn cấp cao tới Triều Tiên, để kỷ niệm 75 năm hợp tác kinh tế và văn hóa song phương. Điều này cho thấy, tổng thống Putin và ông Kim sẽ tìm cách nâng cao quan hệ đối tác giữa hai nước, vượt ra ngoài hợp tác khoa học, công nghệ và quân sự, bao gồm việc xây dựng các liên kết kinh tế và xã hội.

Du lịch song phương đang gia tăng, khi người Nga lần đầu tiên đến thăm Khu trượt tuyết Masikryong của Triều Tiên kể từ đại dịch Covid-19 nổ ra. Khách du lịch Triều Tiên tới Nga năm 2023, đã tăng gấp 5 lần so với năm trước.

Đặc khu kinh tế Rason của Triều Tiên, nơi giáp tuyến đường sắt và cảng nối với lãnh thổ Nga, hiện đang nhộn nhịp và sẵn sàng phát triển hơn nữa, nếu ông Kim và Putin đạt được thỏa thuận thương mại và đầu tư.

Truyền thông phương Tây đưa tin, theo thỏa thuận đổi vũ khí lấy lương thực đạt được vào tháng 8 năm ngoái, Điện Kremlin đang nhận vũ khí để sử dụng ở Ukraine, đồng thời cung cấp thực phẩm và các hàng hóa cần thiết khác cho Triều Tiên chống lại nạn đói. Dầu là một mặt hàng quan trọng khác, mà Nga đang cung cấp, chiếm từ 20 đến 50% lượng nhập khẩu Triều Tiên được phép, theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Nga dường như cũng đang hỗ trợ cho chương trình tên lửa của ông Kim, đặc biệt là công nghệ sản xuất phương tiện quay trở lại khí quyển, có thể giúp Triều Tiên hoàn thiện xây dựng công nghệ tích hợp đầu đạn.

Tháng 2/2024, các học giả từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington đã thống kê, 44 chuyến hàng vũ khí có thể đã được giao từ tháng 8/2023. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik ước tính, Triều Tiên đã gửi hơn 3 triệu viên đạn tới Nga. Mỹ cho biết một số tên lửa do Triều Tiên sản xuất, đã được sử dụng ở Ukraine.

Rất khó biết chính xác Nga đang giúp Triều Tiên như thế nào trong chương trình tên lửa, nhưng các vụ thử nghiệm sắp tới có thể cho thấy dấu hiệu, về sự hợp tác khoa học và công nghệ giữa họ. Hiện tại, ít nhất các bên giả định một cách hợp lý rằng, tổng thống Putin đã chỉ đạo các nhà khoa học Nga hỗ trợ ông Kim.

Trong khi đó vào tuần trước, Nga đã chặn việc gia hạn nhiệm vụ hàng năm của nhóm giám sát viên theo dõi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Triều Tiên, một động thái khiến việc đánh giá chương trình hạt nhân của Triều Tiên trở nên khó khăn hơn, trong khi giám đốc cơ quan tình báo Nga cũng đến thăm Bình Nhưỡng.

Ông Putin được cho gần đây đã gửi chủ tịch Kim một chiếc ô tô sang trọng do Nga sản xuất. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, bà Kim Yo Jong, em gái và là trợ lý thân thiết của ông Kim Jong Un, đã lịch sự chuyển lời cảm ơn, coi đây như một minh chứng rõ ràng về mối quan hệ cá nhân đặc biệt giữa 2 nhà lãnh đạo.

Theo 1 số chuyên gia, mối quan hệ đối tác Nga-Triều hiện có vẻ mang tính chất giao dịch, nhưng cả 2 có những nhu cầu chiến lược rõ ràng để hợp tác.

Cùng với Trung Quốc và Iran, ở cấp độ vĩ mô, Nga-Triều tìm cách tạo ra một khối chính trị, kinh tế và an ninh thay thế cho trật tự quốc tế tự do, dựa trên luật lệ do phương Tây lãnh đạo. Ngoài ra, Nga và Triều Tiên nằm trong số những quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất thế giới, hợp tác giúp họ giảm bớt thiệt hại và khó khăn.

Còn một số lợi ích địa chiến lược không thể phủ nhận đối với Triều Tiên, trong việc khiến Washington sa lầy ở Ukraine, để âm thầm xây dựng chương trình tên lửa và hạt nhân. Tương tự, Moscow có lợi ích trong việc khiến Mỹ lo lắng về bán đảo Triều Tiên, để hạn chế Washington tập trung quá nhiều vào Ukraine.

Quỹ đạo hiện tại của mối quan hệ Triều Tiên-Nga, chắc chắn là không thuận lợi cho Mỹ và đồng minh. Về cơ bản, nó mang lại cho hai quốc gia nhiều không gian, để tiếp tục mục đích bấy lâu nay.

Triều Tiên và Nga không thể có mối quan hệ đối tác không giới hạn, như tổng thống Putin đã tuyên bố với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hợp tác kinh tế giữa Bình Nhưỡng và Moscow, bị hạn chế bởi năng lực của hai quốc gia, và những lệnh cấm của quốc tế.

Tổng thống Putin cũng có thể sẽ tiết chế hỗ trợ cho việc chế tạo vũ khí của Triều Tiên, đặc biệt là chương trình hạt nhân, vì lo ngại rằng, có thể vô tình chọc giận Trung Quốc, quốc gia mong muốn hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á. Đến nay, Trung Quốc vẫn do dự trong việc hỗ trợ quân sự cho Nga, và tránh ủng hộ chương trình hạt nhân -  tên lửa của Triều Tiên.

Về phần mình, ông Kim phải phân bổ số đạn dược gửi tới Nga, để đảm bảo sự sẵn sàng của lực lượng mình, để chiến đấu với Hàn Quốc và Mỹ trong trường hợp cần thiết.

Do đó, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Triều Tiên, khó có thể mang tính quyết định đối với cả hai. Tuy nhiên tại thời điểm này, bất kỳ tiến bộ công nghệ nào trong chương trình quân sự của Triều Tiên, đều chắc chắn gây ra lo ngại với láng giềng.

Bình luận